Ngày 18/9, tại buổi họp báo, Công an Tiền Giang cho biết đang tạm giữ Châu Cường (36 tuổi) cùng Trần Ngọc Đức (23 tuổi, cùng ở TP HCM) để làm rõ hành vi trong vụ cướp tại chi nhánh VietinBank ở Tân Hiệp, huyện Châu Thành.
Trong đó, Cường là người trực tiếp gây án, Đức cung cấp súng. "Lúc bị bắt tại nhà, Cường nôn ói, ngất xỉu, khai đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu", đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an Tiền Giang, thông tin.
Cường khai làm thợ bảo trì điện, có vợ và một con ba tháng tuổi. Do thường xuyên cờ bạc dẫn đến nợ nần, nên gã nảy sinh ý định cướp ngân hàng.
Để thực hiện kế hoạch, trong vài ngày, anh ta lên mạng đặt mua xe tay ga cũ giá hơn ba triệu đồng, đồng thời mua hai khẩu súng rulo, mỗi khẩu 10 triệu đồng cùng 11 viên đạn của Đức. Cường chạy xe từ TP HCM đến Long An, Tiền Giang để dò xét tình hình, tìm các phòng giao dịch nhỏ, vắng người để ra tay.
Chiều 13/9, Cường bịt khẩu trang, đội nón rộng vành, đeo găng tay và mặc áo khoác để không bị nhận diện rồi chạy xe tay ga đến chi nhánh ngân hàng. Gã cầm súng xông vào trong nhà băng khống chế bảo vệ và yêu cầu nữ nhân viên bỏ tiền vào giỏ.
Lấy được 945 triệu đồng, tên cướp lên xe máy bỏ chạy về hướng Long An. Được khoảng 2 km, kẻ này vào con hẻm thay quần áo, nón, giày, bỏ lại xe máy và lên taxi về nhà ở huyện Củ Chi, TP HCM. Cường giấu tiền, không cho vợ biết.
Trong bốn ngày lẩn trốn ở nhà, nghi phạm tiếp tục dùng tiền cướp được chơi đá gà qua mạng và thua hàng trăm triệu đồng.
Khám xét nơi ở của Cường, cơ quan điều tra đã thu giữ 2 khẩu súng rulo, 11 viên đạn cùng 655 triệu đồng. Còn Đức khi bị bắt cũng giao nộp thêm một súng rulo, 13 viên đạn và một thanh kiếm.
Theo đại tá Lê Ngọc Phương, Cục phó Cục cảnh sát Hình sự phía Nam (Bộ Công an), so với các vụ cướp ngân hàng khác, vụ án này thủ đoạn tinh vi, phức tạp, tên cướp che giấu hành vi nên lực lượng điều tra phải bỏ nhiều công sức, việc phá án chỉ trong thời gian hơn ba ngày là đáng biểu dương.
Ông Phương cũng đề nghị qua vụ này, các ngân hàng từ tỉnh, đến chi nhánh ở các địa bàn xung yếu phải tổ chức lại lực lượng bảo vệ.
"Hầu hết vụ án lực lượng bảo vệ tê liệt, chỉ biết bỏ chạy, để lại các nhân viên nữ yếu đuối. Cần huấn luyện cho bảo vệ kỹ năng đối phó sự cố. Ngoài ra, một số ngân hàng để tiền nơi dễ thấy đã khơi gợi lòng tham của người khác", đại tá Phương nói.
Hoàng Nam