Theo quy luật di truyền, bố mẹ nhóm máu AB và A không thể sinh con nhóm máu O. Tuy nhiên, câu chuyện ở Tây An (Trung Quốc) cho thấy y học vẫn xảy ra những điều tưởng chừng vô lý.
Theo Sohu, Khoa Nhi Bệnh viện Tangdu ghi nhận trường hợp bố mẹ nhóm AB và A sinh con nhóm máu O. Bé gái vừa chào đời 48 tiếng phải nhập viện do vàng da và được chỉ định kiểm tra máu.
"Thông thường, hiện tượng vàng da xuất hiện sau khi sinh từ 4 đến 6 ngày", bác sĩ Lin Yan phụ trách ca bệnh cho biết. "Bé gái này bị vàng da quá sớm, cần kiểm tra tình trạng này có phải do nhóm máu hay không".
Kết quả xét nghiệm cho thấy bố nhóm máu AB, mẹ nhóm máu A nhưng bé lại mang máu O. Cả đội ngũ y tế lẫn gia đình bệnh nhi đều kinh ngạc, thậm chí nghi ngờ đứa trẻ đã bị trao nhầm.
Để làm sáng tỏ sự việc, các bác sĩ Bệnh viện Tangdu một lần nữa kiểm tra nhóm máu của gia đình bé gái và phát hiện bố máu AB nhưng kháng nguyên B rất yếu, trong máu lại có cả kháng thể chống B. Điều này có nghĩa người đàn ông mang nhóm máu AB thể hiếm. Do đó có thể coi bố bé gái mang nhóm máu A, mà quy luật di truyền hai người nhóm máu A kết hợp với nhau hoàn toàn có thể sinh ra con nhóm máu O.
Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, gia đình bé gái đã xóa giải hiểu lầm, việc chữa trị của bệnh nhi được tiến hành thuận lợi. Bên cạnh đó, việc phát hiện nhóm máu AB thể hiếm của người bố sẽ phòng tránh tình trạng truyền nhầm máu khi cần.
Các bác sĩ lưu ý kết quả xét nghiệm nhóm máu của bé gái hiện có thể không chuẩn bởi kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu của trẻ sơ sinh chưa phát triển hết, chỉ đạt khoảng 20% so với người trưởng thành. Hơn nữa, phản ứng chéo của nhóm máu hiếm và nhóm máu thường cũng không dễ xác định. Tương lai, bé gái sẽ cần xét nghiệm lại để biết chắc nhóm máu của mình.
"Trường hợp này cho thấy không thể đánh giá mối quan hệ di truyền của trẻ em chỉ dựa vào hệ thống nhóm máu đơn giản", bác sĩ LinYan nhận định.
Các nhóm máu truyền được cho nhau
Thanh Vân