Thấm thoát đã 14 tháng kể từ ngày chị Minh, 33 tuổi, nhận tin khối u trong vú là ác tính, di căn gan, hạch nách đối bên và tổn thương xương. Hiện, sức khỏe chị ổn định, đáp ứng điều trị tốt, không mệt mỏi hay gặp tác dụng phụ. Tâm trạng của người phụ nữ luôn tích cực, với động lực kiếm tiền nuôi con và có chi phí chữa bệnh, giúp kéo dài cuộc sống. "Tôi nghĩ khi mắc bệnh ung thư, không stress - trầm cảm là đã có thể chiến thắng một nửa", chị Minh nói, hôm 5/5.
Tám năm trước, chị Minh trở thành mẹ đơn thân sau khi sinh con đầu lòng. Tưởng chừng tìm được hạnh phúc mới sau nhiều năm, song chị lại lần nữa phải một mình nuôi con sau đợt sinh nở lần hai vào tháng 9/2022.
Khi bé thứ hai được gần 5 tháng tuổi, người phụ nữ thấy tóc rụng nhiều, cánh tay phải mỏi hơn bình thường. Lúc tắm, chị phát hiện ở vú có một cục u, không đau, di động, nách nổi hạch. Nghĩ cơ thể có vấn đề, chị Minh đi khám. Bác sĩ cho biết nguy cơ ung thư trên 80%, đề nghị bệnh nhân lên tuyến trên để siêu âm, sinh thiết xác định. "Khi đó tôi biết mình mắc ung thư rồi, chỉ hy vọng là giai đoạn đầu, chưa di căn vì biết ung thư vú có khả năng khỏi cao nếu phát hiện sớm", bà mẹ hai con trải lòng.
Tháng 4/2023, chị Minh nhập Bệnh viện Ung bướu TP HCM - Cơ sở 2 và tiến hành điều trị. Bác sĩ xác định ung thư vú di căn gan, hạch nách đối bên và tổn thương xương. Trong đó, hai nốt di căn gan nằm ở vị trí nguy hiểm, bác sĩ tiên lượng chỉ sống 6-8 tháng nếu không điều trị.
Ngày nhận tin dữ, chị Minh chạy xe khắp Sài Gòn, không chấp nhận sự thật bản thân chỉ còn sống thêm được vài tháng. "Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì để phải chịu đựng tất cả điều này? Các con tôi sẽ sống ra sao nếu mẹ qua đời", hàng loạt câu hỏi như mũi dao đâm vào trái tim người mẹ trẻ.
Sau vài ngày suy sụp, chị gắng gượng gọi điện báo tin cho bố mẹ ở quê, xác định cùng gia đình đối mặt. Đồng thời, chị nhờ mẹ vào Sài Gòn trông con để có thời gian làm thủ tục và các xét nghiệm, chuẩn bị cho "cuộc chiến". "Động lực duy nhất thôi thúc tôi là phải sống để chăm sóc và nuôi dưỡng hai đứa trẻ đến khi chúng trưởng thành", chị nhớ lại.
Để đủ sức khỏe chăm hai bé, chị Minh liều mình hỏi bác sĩ về phương pháp điều trị tốt nhất, ít mệt, ít tác dụng phụ dù phải tốn nhiều tiền. Bác sĩ chỉ định liệu pháp nhắm trúng đích cho trường hợp của chị Minh. Nhắm trúng đích (Targeted therapy) là liệu pháp chữa ung thư bằng cách sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan tràn các tế bào ác tính, thường được áp dụng trên bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tiến triển và di căn xa mà phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện được.
Theo phác đồ điều trị, cứ mỗi 28 ngày, chị Minh sẽ vào bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm và tiêm, nhận thuốc về nhà uống. Mỗi đợt điều trị tiêu tốn khoảng 25-30 triệu đồng. Song, tùy vào các chỉ số máu, bác sĩ sẽ xem xét bệnh nhân có uống thuốc và tiêm được không. Nếu bạch cầu quá thấp, người bệnh sẽ phải nghỉ ngơi và quay lại vào tuần kế tiếp.
May mắn, 14 tháng qua, chị Minh có thể dùng thuốc đều đặn mỗi tháng. Đợt đánh giá gần nhất cũng cho thấy người phụ nữ đáp ứng điều trị tốt, bệnh ổn định.
Các nghiên cứu cho thấy tinh thần tích cực đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với ung thư. Do quan niệm ung thư là án tử, không có khả năng cứu chữa, nên không ít người sốc, chấn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí muốn chết khi nhận tin K. Nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện trong 9 tháng, trên 264 bệnh nhân ở khoa Ung bướu, kết quả gần 58% người bệnh bị trầm cảm. Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc những điều chưa biết phía trước, theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103.
Công trình của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc bệnh ung thư cao hơn 85% so với dân số chung. Trong đó bệnh nhân ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất. Vì vậy, duy trì tâm lý tích cực cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối là vô cùng cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ giúp cho việc điều trị bệnh của họ tiến triển tích cực hơn, các chuyên gia nhận định.
Từ lúc phát hiện bệnh, trừ thời gian điều trị, cuộc sống hằng ngày của chị Minh diễn ra bình thường. "Tôi hiểu ra cách cứu mình là bản thân phải thay đổi", chị nói. Trước đó, người phụ nữ nhậu, uống trà sữa, tiêu thụ bánh ngọt, đồ chiên xào, và chưa từng tập thể dục. Khi bị bệnh, chị xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện kỷ luật. Bà mẹ hai con bắt đầu ngày mới lúc 6h, đi ngủ trễ nhất là 23h.
Chị Minh chọn hấp, luộc tất cả thức ăn, hạn chế thịt đỏ chứ không bỏ hoàn toàn. Chị cũng cắt tối đa thực phẩm ngọt, chỉ sử dụng mỗi tháng một lần. Đồng thời, dành khoảng 90 phút mỗi ngày để chạy bộ trên máy và nâng tạ ấm để nâng cao thể lực.
Để đảm bảo chi tiêu, chị Minh tìm mọi cách kiếm tiền, với nguyên tắc "chỉ cần không phạm pháp". Người phụ nữ chọn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng online, môi giới cho khách tìm phòng trọ, dịch thuật tài liệu... Dịp Tết, chị bán thêm dưa hấu, nhận dọn dẹp nhà theo giờ.
Ung thư di căn nhưng chị Minh may mắn chỉ bị đau, ngứa và nóng trong người vào thời gian đầu tiêm, uống thuốc. Hiện hằng ngày chị vẫn có thể làm việc, nấu ăn, sinh hoạt như người bình thường. Trải qua nhiều đợt điều trị suốt hơn một năm qua, chị chưa lần nào nghĩ sẽ từ bỏ.
BS.CK2 Võ Ngọc Huân, Phó trưởng Khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, là người đang trực tiếp điều trị cho chị Minh, chia sẻ bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn 4, song đáp ứng phác đồ nên tình trạng hiện tại tương đối tốt. Liệu pháp nhắm trúng đích người bệnh đang áp dụng được đánh giá có thể kéo dài sự sống, kiểm soát bệnh lâu dài. Thuốc này còn cải thiện chất lượng sống, tác dụng phụ cũng ít hơn các phương pháp khác.
Bác sĩ cũng rất khâm phục bệnh nhân bởi sự lạc quan, nghị lực sống kiên cường. "Tôi luôn ưu tiên cho trường hợp này khám trước vì hoàn cảnh đặc biệt", ông Huân kể, thêm rằng ban đầu khi đến khám, chị Minh luôn ôm theo con nhỏ. Thời gian sau, chị dắt hai con vào bệnh viện, bé nhỏ theo mẹ vào khám, bé lớn chị nhờ bảo vệ trông chừng. Hoặc có những ngày chị vào viện một mình, hỏi ra mới biết bà mẹ chọn thuê khách sạn theo giờ, để chị lớn trông em trong lúc chờ mẹ khám bệnh.
"Đây là ca bệnh có hoàn cảnh hy hữu nhưng tinh thần lạc quan đã giúp chị vượt lên nghịch cảnh", bác sĩ cho hay, thêm rằng việc tìm ra động lực sống là "vũ khí" quan trọng để người bệnh có kết quả điều trị tích cực.
Theo thống kê của dữ liệu Ghi nhận ung thư (Globocan) năm 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện 182.000 ca mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca (chiếm 12%). Số ca ung thư vú có chiều hướng gia tăng qua các năm. Năm 2013, tỷ lệ ung thư vú khoảng 25/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên 26,4. Bệnh ung thư vú hiện nay không chỉ ngày càng phổ biến mà còn có xu hướng trẻ hóa.
Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với các liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Song, yếu tố then chốt vẫn là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Điều làm các bác sĩ trăn trở nhiều năm nay chính là tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở nước ta còn cao, bệnh nhân đến khám vào giai đoạn muộn khá nhiều. Bác sĩ khuyên mỗi người dân cần nâng cao ý thức đối với sức khỏe. Phụ nữ trên 40 tuổi cần khám sàng lọc, tầm soát ung thư hằng năm; phụ nữ 20-30 tuổi nên kiểm tra tối thiểu 3 năm/lần. Kiểm tra định kỳ giúp sớm phát hiện các bất thường, điều trị kịp thời khi bệnh chưa tiến triển nặng.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi