Thứ ba, 10/12/2024
Thứ năm, 28/9/2023, 07:43 (GMT+7)

Nghị lực sau những bức tranh của bệnh nhân đột quỵ

TP HCM59 bức tranh do bệnh nhân vẽ sau đột quỵ, chấn thương não... được triển lãm tại Bệnh viện An Bình, quận 5, trong đó có những tác giả đã mất.

Triển lãm với chủ đề Mang ý nghĩa vào cuộc sống trưng bày tranh của 36 bệnh nhân đang điều trị phục hồi mất ngôn ngữ sau đột quỵ, chấn thương sọ não, xuất huyết não, gặp vấn đề giao tiếp, suy giảm trí nhớ...

Các tác phẩm được thực hiện tại lớp học vẽ cải thiện khả năng vận động, giao tiếp của Bệnh viện An Bình, tổ chức từ năm 2013 đến nay. "Mỗi bức tranh chứa đựng những câu chuyện cá nhân đầy cảm xúc, là một phần hành trình phục hồi", ông Hồ Hải Trường Giang, giám đốc bệnh viện cho biết.

Ông Lê Cao Nguyên, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng vợ bên bức tranh vẽ gia đình tại triển lãm. Người đàn ông 61 tuổi có 4 tranh trưng bày.

Gắn bó với lớp vẽ từ những ngày đầu, đến nay mỗi tuần ông Nguyên đều đặn đón xe khách từ quê lên bệnh viện học vẽ. Ông bị đột quỵ năm 2008, đến giờ vẫn để lại di chứng kéo dài, khó khăn trong đi lại, chỉ nói bập bẹ được vài câu.

Ông Trầm Đệ (66 tuổi), ngụ quận 8, bên bức tranh vẽ thú cưng của gia đình, thực hiện cách đây hai tuần. Người con trai đi cùng cho biết ông Đệ bị tai biến nửa năm nay, ban đầu không nói chuyện được, tay chân yếu.

"Sau nửa năm tham gia lớp vẽ, ba tôi phục hồi nhanh hơn, có thể giao tiếp được câu ngắn và đi lại được, tay phải còn yếu nhưng ông vẫn tự cầm cọ vẽ tranh", anh nói.

Bà Trầm Mỹ Anh, 56 tuổi, cầm trên tay bức tranh vẽ 4 năm trước. "Tuần nào tôi cũng mong chờ tới lớp vẽ, gặp nhiều người như mình nên không còn buồn phiền nữa. Tôi đang ráng tập nói để có thể trò chuyện nhiều hơn", bà Anh cho biết.

Bà nói rằng hai lần bị đột quỵ, bà nhiều lần khóc vì không tự vận động được, phải phiền đến người thân. Được con đưa vào lớp vẽ phục hồi chức năng, ban đầu bà chỉ có thể vẽ bằng tay trái, quẹt vài đường cọ căn bản. Sau hai năm, bà phục hồi tốt dần, cải thiện khả năng vận động và vẽ đẹp hơn.

Ông Nguyễn Thế Dũng, 51 tuổi, có 4 tranh trưng bày. Suốt 6 năm nay, ông đều đặn đi xe buýt từ nhà ở quận 5 lên bệnh viện để tập phục hồi chức năng đi lại, cầm nắm đồ vật, giao tiếp... và tham gia lớp vẽ vào cuối tuần.

Cơn tai biến khiến ông bị liệt nửa người. Sau thời gian điều trị với kết hợp nhiều bài tập, ông có thể tự đi lại được, nói dễ dàng hơn, thao tác vẽ thuần thục hơn. Hiện ông mất hai ngày để vẽ xong một bức tranh thay vì một tuần như lúc mới vào lớp.

Ông Phạm Văn Vị, ở quận 1, hai lần bị đột quỵ não, gần nhất cách đây hơn một năm. Thời gian đầu, ông bế tắc vì không thể tự mình xoay xở sinh hoạt cá nhân, trở thành gánh nặng của gia đình.

Khi học vẽ, ban đầu ông phải lấy tay trái giữ chặt tay phải để không bị rơi cọ. Vốn đam mê hội họa, được vẽ lại khiến ông yêu đời hơn. "Những bức tranh tôi vẽ bây giờ không đẹp bằng ngày xưa đã vẽ nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc mỗi khi tác phẩm hoàn thành", người đàn ông 72 tuổi nói.

Ông Trần Quốc Bảo chụp lại tranh của con trai tự kỷ vẽ (góc trái) năm 2017. Người cha cho biết con trai vẽ được khoảng 10 bức từ khi tham gia lớp. "Nhờ vẽ mà con không còn rụt rè như trước nữa", ông Bảo kể.

Bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ quận Tân Bình, bên 4 tác phẩm của người chồng quá cố. Chồng bà bị đột quỵ năm 2015, liệt nửa người, tay chân yếu, lúc đầu phải nhờ tình nguyện viên cầm tay nắn nót từng nét vẽ. 5 năm trước, chồng bà mất vì khối u trong phổi.

Những tác phẩm cùng hình ảnh của ông Phạm Minh Đức khi học vẽ. Ông mất 4 năm trước do ung thư phổi, trước đó bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên phải khoảng 10 năm.

Triển lãm diễn ra tới ngày 29/9, tại sảnh lầu 10 của Bệnh viện An Bình.

Quỳnh Trần