Chị là Phạm Thị Lương sinh năm 1977, quê ở Phù Mã, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. Chị là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh em. Lúc 5 tháng tuổi, sau một cơn sốt, tứ chi của chị bị liệt không thể đi lại hay cầm nắm được. Gia đình đã đưa chị đi chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Điều đó khiến chị và gia đình rất buồn.
Nhưng với tinh thần “tàn mà không phế” và tình yêu thương, sự lo lắng cho tương lai của cô con gái bé bỏng thiệt thòi của mình, nên bố mẹ chị đã vun đắp cho chị một tinh thần, một ý chí tự lập rất mạnh mẽ.
Hàng ngày, mẹ cho chị ngồi vào một bên quang gánh, còn một bên là bánh trái, hoa quả… rồi gánh chị đi bán rong khắp mọi nơi, khi đầu làng lúc cuối chợ.
Các buổi tối, các buổi không đi bán hàng và những lúc rảnh rỗi, bố lại kèm cặp dạy chị biết đọc, biết viết và biết tính toán.
Vốn có tố chất thông minh, lại được bố mẹ chỉ bảo nên chị học mọi thứ rất nhanh và tỏ ra rất tự tin. Chính vì vậy mà mẹ đã tin tưởng giao cho chị quản lý một quầy hàng nho nhỏ ở đầu làng.
Tuy bị liệt tứ chi và chỉ ngồi một chỗ, nhưng với khuôn mặt xinh xắn, dễ thương, ăn nói lại khéo léo và rất có duyên nên quầy hàng bán bánh rán, chè, thuốc lá… của chị rất đông khách.
Bán hàng ở đầu làng được một thời gian, chị vào chợ Sóc Sơn bán hoa quả phụ giúp vợ chồng anh chị cả. Sau khi phụ giúp anh chị được một thời gian, chị tích cóp cho mình được một ít vốn và chuyển ra làm ăn riêng.
Thời gian đầu do vốn ít nên chị bán sim thẻ, trà sữa, bánh trái… sau này vốn nhiều chị chuyển sang bán quần áo. Lúc đầu, chị làm ăn cũng được nhưng sau này do môi trường cạnh tránh khắc nghiệt, chị lại không đi lại được nên việc làm ăn bị thua lỗ.
Thất bại nặng trong buôn bán quần áo khiến chị gần như trắng tay. Tuy nhiên, với tinh thần không chịu khuất trước khó khăn thất bại, nên chị đã gom góp số vốn ít ỏi còn lại và vay mượn thêm anh em, bạn bè để mở quầy hàng bán hoa quả trong chợ Sóc Sơn.
Như người ta thường nói “ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ”, nên nhờ trời thương mà quầy hàng hoa quả của chị cũng dần ổn định và càng ngày càng phát triển.
Ngoài việc làm ăn buôn bán giỏi, chị cũng là một người có tâm. Chị thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ kinh phí cho các em sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong trường dạy nghề điện gần đó. Còn em nào mà muốn đi làm thêm thì đến chỗ chị phụ bán hàng và giúp việc này việc kia.
Tuy cuộc sống khó khăn vất vả nhưng chị vẫn luôn vui vẻ, yêu đời hay hát và hát rất hay. Chính vì vậy, chị được coi là một trong những thành viên tích cực và là cây văn nghệ chính của Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn.
Những gì chị đạt được trong công trong việc khiến mọi người nể phục và quý trọng nhưng trong lòng chị vẫn rất rất buồn vì
“làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
Chị Lương tham gia biểu diễn văn nghệ. |
Dù khuyết tật nhưng chị vẫn là một người phụ nữ, cũng dòng máu nóng và trái tim hồng. Chị cũng muốn yêu và được yêu như bao người phụ nữ khác. Chị cũng muốn được làm vợ, làm mẹ và làm một người con hiếu thảo để đền đáp công ơn dưỡng dục, dạy bảo của cha mẹ dành cho chị... Đây là điều mà bấy lâu nay chị vẫn đau đáu, day dứt trong lòng mà chưa làm được.
Những điều chưa làm được đó khiến chị cười nhưng vẫn ẩn đằng sau một nỗi u buồn khó tả. Một nỗi u buồn mà chỉ có chị mới hiểu được mà thôi.
Mỗi khi nhìn chị cười, tôi chỉ biết chúc cho chị luôn mạnh khỏe, chúc cho quầy hàng hoa quả của chị càng ngày càng phát triển. Tôi mong đừng bao giờ có nỗi buồn nào nữa đến với chị, để nụ cười luôn nở trên môi chị một cách trọn vẹn hơn.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Trần Ngọc Chung