"Nghi lễ mùa xuân" được sáng tác ở Paris đúng 100 năm trước. Vở ballet này nói về một nghi lễ tôn giáo, trong đó Thánh nữ - một trinh nữ - bị các tín đồ ngoan đạo cao niên kết án phải nhảy múa đến chết.
Đã có hơn 200 bản dựng vở này từ khi tác phẩm ra đời. Bản dựng của Gallotta là một trong những bản nổi bật và gây tiếng vang ở thế kỷ 20. Trong đó, biên đạo Jean Claude Gallotta vẫn giữ nguyên nền nhạc gốc do đích thân nhà soạn nhạc Igor Stravinsky (tác giả vở ballet) chỉ huy và ghi âm.
Ở bản dựng của Jean Claude Gallotta, bảy nữ diễn viên múa sẽ lần lượt vào vai "Thánh Nữ". Có hai chương ngắn sẽ dẫn dắt khán giả trước khi vào trường đoạn nhạc hùng tráng tiếp theo. Cả ba chương của tác phẩm vừa là một nghi lễ mùa xuân rộn ràng, đầy nhiệt huyết vừa thể hiện sự tĩnh lặng, mộc mạc của các điệu múa.
Jean Claude Gallotta là giám đốc Trung tâm vũ kịch quốc gia Grenoble (CCN). Từ đầu những năm 1980, ông đã được coi là một trong những đại diện ưu tú nhất của nghệ thuật múa đương đại Pháp.
Sau một thời gian ở New York vào cuối những năm 70, Jean Claude Gallotta thành lập nhóm Émile Dubois, hoạt động tại Grenoble, sau trở thành Trung tâm biên đạo múa quốc gia vào năm 1984. Có trụ sở ngay từ ban đầu tại Nhà Văn hóa (nơi ông đảm nhiệm cương vị giám đốc từ năm 1986 đến 1989), ông đã sáng tác tại đây hơn 60 vở múa được trình diễn khắp các châu lục. Ông cũng là biên đạo múa cho nhiều vở múa của vũ đoàn ballet Nhà hát Lyon và Vũ đoàn ballet Nhà hát Paris. Được đạo diễn sân khấu Tadashi Suzuki tại Shizuoka (Nhật Bản) mời, ông đã thành lập và huấn luyện một đoàn múa Nhật Bản từ năm 1997 tới 2000.
Gallotta có phong cách biên đạo tập trung vào những đường nét tinh khiết và rõ nét trong chuyển động tập thể. Trong những năm gần đây, các bài biểu diễn của Gallotta thường sử dụng các nhóm vũ công ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhằm nhấn mạnh đường nét cơ thể và nét độc đáo của mỗi nghệ sĩ. Hơn nữa, ông cũng quan tâm đến kinh nghiệm của người biểu diễn hơn là những yếu tố thuần túy về kỹ thuật cũng như hình thể. Trong các bài biểu diễn của mình, Gallotta thường ít khi xuất hiện trên sân khấu mà chỉ đạo các vũ công như một nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng.
Jean Claude Gallotta đã biên đạo hơn 60 vở múa được trình diễn trên khắp thế giới, trong đó đáng chú ý có Ulysse, Mammame, Bác sĩ Labus, Presque Don Quichotte, Những giọt nước mắt của Marco Polo, 99 duos, Ba thế hệ, Cher Ulysse… Ông cũng dàn dựng nhiều vở cho Nhà hát vũ kịch Lyon và Nhà hát vũ kịch Paris.
"Nghi lễ mùa xuân" của nhà soạn nhạc người Nga Stravinsky được xem là một trong những vở ballet có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20.
Tuy vậy, ngay từ lần đầu tiên ra mắt khán giả vào ngày 18/5/1913 tại nhà hát Champs-Élysées (Paris), vở múa vấp phải làn sóng chỉ trích khá dữ dội, tạo nên đợt sóng "scandal" trong giới nghệ thuật Phương Tây lúc bấy giờ. Nó bị cho là đi ngược lại toàn bộ những khuôn mẫu về nghệ thuật múa ballet trước đó.
Từ kinh nghiệm trong hai vở ballet trước của mình là "L'oiseau de feu – Con chim lửa" và "Petrouchka", Stravinsky tiếp tục đào sâu khám phá và áp dụng vào vở Nghi lễ mùa xuân. Trong đêm biểu diễn đó có mặt hai nhà soạn nhạc nổi tiếng là Claude Debussy và Maurice Ravel, ngoài ra cũng có nhiều tri thức góp mặt. Tuy nhiên, phần lớn khán giả lại cảm thấy bị xúc phạm và nổi giận khiến chẳng mấy chốc khán phòng trở thành một nơi ẩu đả. Các nhà phê bình đã gọi tên vở múa này là "Massacre du Printemps - cuộc thảm sát Mùa xuân", như một lời mỉa mai cho những cách tân của Stravinsky.
Chính những chỉ trích đã làm nhà soạn nhạc người Nga suy sụp và đổ bệnh. Ông đã phải dành sáu tuần trong một nhà thương tại Neuilly-sur-Seine. Phải đến tận năm 1914, tác phẩm mới nhận được sự ủng hộ của khán giả, sau một đêm diễn tại Paris.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13/2/1913, Stravinsky cho biết vở ballet này là một loạt các nghi lễ cổ xưa của người Nga. Nội dung được chia làm hai phần chính, phần đầu tiên mang tên "L'Adoration de la terre - Sự tôn thờ trái đất", và phần tiếp có tên là "Le Sacrifice - Sự hiến tế".
Vở múa được giới thiệu đến công chúng TP HCM vào 20h ngày 27/6, tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi và đến khán giả Hà Nội vào 20h ngày 29/6 tại Nhà hát Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm. Giá vé của chương trình từ 100.000 đến 120 000 đồng. Giá vé ưu đãi cho sinh viên và thành viên Trung tâm văn hóa Pháp l’Espace là từ 50.000 đến 60.000 đồng.
Đây là hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Việt Nam - Pháp, kỷ niệm 40 năm hai nước Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
* Video giới thiệu về vở múa 'Nghi lễ mùa xuân'
|
Thất Sơn