Ở tuổi 80, bác sĩ người Mỹ Richard W. Besdine vẫn đi làm mỗi ngày dù tuổi về hưu trung bình của người Mỹ là 64.
"Tôi không định nghỉ hưu sớm", bác sĩ Besdine nói. Ông đã hành nghề y suốt 55 năm, từng đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội Lão khoa Mỹ và hiện giảng dạy tại Đại học Brown.
Cách đây hơn 10 năm, một phóng viên hỏi bác sĩ Besdine liệu làm việc quá tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến tuổi thọ không. Khi ấy, nước Mỹ đang trong cơn khủng hoảng, nhiều người phải lao động lâu hơn thời gian dự kiến để bù đắp những khoản đầu tư thua lỗ.
"Mọi người đang thay đổi kế hoạch nghỉ hưu của mình. Tôi cũng có kế hoạch riêng, đơn giản và đảm bảo mình không chết trong nghèo khó", bác sĩ Besdine khi ấy nói.
Phóng viên hỏi lại: "Thật không? Kế hoạch đó là như thế nào".
Vị bác sĩ đáp: "Tôi sẽ làm việc đến chết".
Dựa trên kinh nghiệm hành nghề, bác sĩ Besdine nhận định nhiều người từ chối nghỉ hưu sớm vì công việc đem tới cho họ lợi ích tinh thần hoặc tài chính. Trong trường hợp của mình, ông tự nhận bản thân "vô tình là một trong người may mắn yêu thích công việc đang làm".
"Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc. Tôi được làm với những cá nhân tài năng, thân thiện và nghề nghiệp của chúng tôi nhằm mục đích đem lại điều tốt đẹp cho cộng đồng".
Nghỉ hưu sớm có đồng nghĩa với sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn không? "Không phải lúc nào cũng như vậy", bác sĩ Besdine nói.
Năm 2014, nghiên cứu trên gần 430.000 của Pháp chỉ ra người nghỉ hưu muộn ít bị sa sút trí tuệ hơn. Kết luận này phù hợp với giả thuyết được nhiều chuyên gia đưa ra từ lâu rằng liên tục hoạt động trí óc giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Năm 2019, một nghiên cứu của Thụy Điển phát hiện người làm việc quá tuổi 65 có sức khỏe thể chất tốt hơn những người nghỉ hưu ở tuổi 65. Tuy nhiên, về sức khỏe tinh thần hay cụ thể là số dấu hiệu trầm cảm thì không quá khác biệt.
Trái lại với hai công trình khoa học trên, một nghiên cứu trên hàng nghìn người Anh vào năm 2010 khẳng định những ai tự nguyện nghỉ hưu sớm sẽ khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
"Từ khóa ở đây là tự nguyện nghỉ hưu", bác sĩ Besdine lưu ý. "Đã có những bằng chứng cho thấy bị bắt buộc nghỉ hưu gây hại cho sức khỏe của bạn, dù tình hình tài chính của bạn có như thế nào".
Bác sĩ Besdine cũng đưa ra ba kịch bản khiến bạn khó hưởng thụ tuổi già sau khi về hưu, bao gồm:
Bạn bị ép nghỉ hưu trước khi muốn do hiệu suất và tuổi tác.
Bạn phải làm việc lâu hơn mình muốn do vấn đề tài chính.
Quyết định nghỉ hưu của bạn xuất phát từ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Để sống hạnh phúc khi về hưu, bác sĩ Besdine khuyên mọi người tích cực vận động và tham gia các hoạt động lành mạnh. Bạn có thể cân nhắc các hoạt động như:
Tham gia tình nguyện: Hãy dùng những sở thích, sở trường của mình như nấu ăn, làm vườn, chăm trẻ con và động vật hoặc sửa chữa đồ đạc để đóng góp cho cộng đồng. Các nghiên cứu chỉ ra người tham gia hoạt động cộng đồng có trí óc và cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tham gia câu lạc bộ đọc sách: Cách làm này giúp bộ não khỏe mạnh và chống lại cảm giác cô đơn, thứ nguy hiểm ngang thuốc lá. Hãy đọc sách và trao đổi với người khác thay vì chỉ đọc một cách thụ động.
Vận động: Ngồi trên ghế cả ngày gây hại cả về tinh thần lẫn thể chất. Hãy đi bộ một quãng dài, hoặc chia làm nhiều lần nhỏ, mỗi lần 10 phút, mỗi ngày khoảng 3-4 lần. Nếu thích tập gym mà không thể đi nữa, bạn có thể thuê huấn luyện viên hoặc tìm lớp online để tự tập tại nhà.
Chi tiêu trong khả năng: Làm việc cật lực lúc trẻ để tiết kiệm tiền không có nghĩa là bạn được tiêu thoải mái lúc về già. Thật khó hưởng thụ nếu bạn cứ lo lắng hết tiền.
Về thời điểm nên nghỉ hưu, bác sĩ Besdine nhấn mạnh: "Nghỉ hưu với mỗi người lại khác. Không có thời điểm hay cách nghỉ hưu nào là tốt nhất".
Theo bác sĩ Besdine, bạn có thể tiếp tục làm việc nếu muốn hoặc chuyển sang làm bán thời gian. Điều quan trọng là tự xem xét khả năng và nhu cầu của bản thân.
Thu Nguyệt (Theo CNBC)