Theo Fox News, Bary, 23 tuổi, đến Syria năm ngoái để gia nhập đội quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Người này được nhận dạng là thành viên của một nhóm phiến quân mang tên "The Beatles".
Bary bị các điều tra viên Anh công bố là một trong ba nghi can từ cuối tuần qua. Bary từng đăng tải lên mạng xã hội Twitter tấm hình anh ta cầm một thủ cấp khi ở Syria. Bary có giọng nói, dáng người và màu da giống với kẻ cầm dao trong video hành quyết Foley.
Bố của Bary, một người gốc Ai Cập, bị dẫn độ từ London sang Mỹ năm 2012 vì cáo buộc có liên quan đến trùm khủng bố Osama bin Laden và dính líu đến vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại châu Phi năm 1998.
Nhóm sát thủ "Beatles", được các con tin gọi theo tên ban nhạc Anh, có ba kẻ tên là John, George, và Ringo. Nhóm này nhắm vào những người phương Tây như Foley, có lúc chúng bị cấm canh chừng con tin do quá bạo lực. Beatles còn nổi danh nhờ kiếm được hàng chục triệu USD từ con tin do các công ty châu Âu chi trả.
MI5 và MI6, hai cơ quan tình báo chính của Anh cho biết đã nhận dạng được kẻ hành quyết Foley, mặc dù chưa công khai nhân dạng kẻ đó.
Hôm qua, các chuyên gia thuộc một công ty chuyên phân tích chứng cứ pháp lý giấu tên của Anh cho rằng kẻ xuất hiện trong đoạn video hành quyết có thể chỉ là "người dẫn chuyện", chứ không phải thủ phạm, theo Telegraph.
Công ty này là đối tác của cảnh sát Anh, cho rằng phiến quân Hồi giáo đã sử dụng các thủ thuật quay phim và kỹ thuật dàn dựng với đoạn video dài 4 phút 40 giây. Một nhà phân tích pháp lý ẩn danh nói mặc dù đường dao đi xuống quanh cổ Foley ít nhất 6 lần nhưng không thấy có máu, ở điểm mà bức ảnh bị nhòe thành màu đen. Bên cạnh đó, đoạn Foley nói không liên tục như bình thường, có các tiếng bip trong video cho thấy nhà báo này có thể lặp lại các câu. Đoạn video có thể được dàn dựng trước khi cuộc hành quyết thực sự xảy ra.
Khánh Lynh