Sáng đầu tháng 5, núi Cấm cao hơn 700 m, được xem là nóc nhà miền Tây, đón những cơn mưa đầu mùa. Anh Cuội uống ngụm trà nóng, tìm trong túi đồ nghề chiếc bào (giống bào thợ mộc) to bằng bàn tay, bắt đầu ngày làm việc. Người đàn ông 40 tuổi mất 15 phút để mài lưỡi bào cho bén rồi tiến lại hiên nhà - nơi kê sẵn thanh gỗ dài hơn mét, bên trên khoét hình hai chiếc đũa.
Anh lấy thanh tre trong xô đặt dưới chân. Chúng được chẻ hình vuông to bằng ngón tay, dài 20 cm. Một tay anh miết bào lên thanh tre, tay còn lại xoay tròn chiếc đũa, mắt quan sát kỹ. Từng đường bào đẩy tới, một thớ tre mỏng thoát ra, liền cuộn tròn như lọn tóc xoăn. Thớ mỏng hay dày, dài hay ngắn tuỳ người thợ vót dùng lực, căn chỉnh sao cho đũa tròn đều. Ngoài ra, người thợ thường chuốt bỏ phần ruột tre, giữ phần da bên ngoài vì chúng cứng, chắc.
Chuốt phần đầu to trước, anh Cuội xoay thanh tre ngược lại vót phần đầu nhỏ dùng gắp thức ăn. "Muốn đũa đẹp phải vót đều tay, đầu đũa nhỏ dần về cuối. Nếu vót thành chỗ lồi chỗ lõm vừa xấu vừa khó gắp", anh giải thích. Trước khi cho vào xô ngâm phèn chua, người thợ ngắm đũa lần nữa, nếu cong sẽ đưa vào lỗ nhỏ trên thanh gỗ, nhẹ tay chỉnh lại. Mỗi chiếc đũa anh mất chừng 30 giây để vót.
Theo những người trong nghề, mỗi đôi đũa thể hiện được sự tỉ mỉ, khéo léo kết hợp đôi mắt thẩm mỹ của người vót. Không phải ai cũng chuốt được bó đũa mà bất cứ chiếc nào ghép với nhau cũng thành một đôi. Thông thường công việc này do người lớn tuổi trong nhà đảm nhận.
So với vót bằng dao hoặc mác (gần giống dao nhưng mũi nhọn), đũa vót bằng bào sắt cho thớ đều, nhanh, lại không sợ đứt tay. Nhờ đó, năng suất lao động của người đàn ông 15 năm trong nghề, tăng 2-3 lần so với trước. Ngày làm ròng rã chỉ nghỉ trưa, ăm cơm chừng một giờ, anh Cuội vót được 700-800 đôi đũa, sau khi trừ chi phí tiền tre, phèn chua, lãi gần 1,5 triệu đồng.
Cách đó gần một km, bà Phạm Thị Ánh gắn bó gần 20 năm với nghề vót đũa, vẫn dùng mác như trước. Sang tuổi 71, mắt không còn sáng, bà Ánh nói mình vót không còn khéo nữa. Những chiếc đũa hơi góc cạnh, bà bó riêng bán với "giá hữu nghị". Nhờ nghề vót đũa, bà nuôi được các con ăn học, về già có thu nhập ổn định, giờ mỗi ngày kiếm chừng 200.000 đồng.
Người dân Núi Cấm ban đầu vót đũa để dùng trong nhà. Sau đó khu vực này phát triển du lịch, đón hàng trăm nghìn khách, họ mang đũa ra bán, làm tới đâu bán sạch đến đó, dần dần làng nghề vót đũa hình thành. Đũa làm từ giống tre trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, trồng hơn 4-5 tuổi. Mỗi cây giá 60.000-70.000 đồng, vót được 500 đôi đũa. Người trồng tre thường nhận luôn phần cắt thành từng khúc, chẻ nhỏ với giá 500.000 đồng một thiên (1.000 đôi).
Để chống mối mọt, trước khi vót, tre ngâm với phèn chua ít nhất một năm với tỷ lệ một thiên tre đã chẻ ngâm 10 kg phèn, nếu ít phèn đũa làm ra có mùi hôi. Ngoài công đoạn vót, đầu đũa được khắc hình lục giác để phân biệt với đầu còn lại, sau đó phơi 2-3 nắng đến khi đũa khua tiếng giòn lúc va vào nhau là đạt.
Đũa tre có nhiều giá. Đũa đỏ làm từ tre hứng nhiều ánh sáng mặt trời nên cứng, màu sậm, giá 3.000 đồng một đôi. Tre khuất nắng làm ra đũa màu trắng, mềm hơn nên giá 2.000-2.400 đồng. Giá bán cũng tuỳ vào người vót, người khéo tay đũa tròn đẹp, ưng mắt người mua, bán được giá hơn người vót dở.
"Dù chuốt nhanh hay chậm, khéo hay vụn, ai trong nghề cũng mắc bệnh nhức lưng vì ngồi suốt ngày", bà Phạm Thị Ánh cười nói.
Theo UBND xã An Hảo, hiện nghề vót đũa tre là sinh kế của hàng chục hộ dân trên núi Cấm. Đa phần các hộ làm khi nông nhàn song có những gia đình như bà Ánh, ông Cuội làm quanh năm. Nhờ du lịch nên mặt hàng đũa tre khá hút. Người trồng tre trên núi cũng có thu nhập khá.
Ngọc Tài