Thị trường smartphone bùng nổ cũng là cơ hội cho dân công nghệ thông tin (IT) tăng thu nhập với các dịch vụ ăn theo. Trên các chợ ứng dụng mobile lớn như Google Play, Appstore… có nhiều chương trình free (miễn phí) gồm cả game, phần mềm, nhưng chủ nhân của chúng vẫn kiếm được tiền nhờ đặt quảng cáo của những nhà cung cấp dịch vụ khác như Google AdMob, Airpush, StartApp... Tiền thu về tính trên số lần click của người dùng vào các quảng cáo hoặc số lượt tải ứng dụng.
Nguyễn Xuân Trường (23 tuổi), tốt nghiệp Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2012. Bắt đầu công việc viết phần mềm cách đây 2 năm, khi còn là sinh viên, đến nay, Trường đã cho ra lò hơn 20 sản phẩm.
Sau khi tung những ứng dụng này lên Appstore, Playstore... các lập trình viên như Trường tiếp tục mày mò để tìm đối tác, mời họ đặt quảng cáo. Mỗi đơn vị quảng cáo sẽ có những cách tính tiền khác nhau để trả cho các lập trình viên. Đối với dịch vụ StartApp, số tiền trả được tính theo lượt tải nội dung được quảng cáo. Còn Google AdMod thì chỉ cần người sử dụng ứng dụng click vào quảng cáo là lập trình viên được trả tiền… Có khá nhiều lựa chọn dịch vụ cho lập trình viên để đưa vào ứng dụng của mình một cách phù hợp nhất.
"Những ứng dụng tốt, được ưa chuộng thì việc mời quảng cáo không gặp nhiều khó khăn", anh chia sẻ. Mỗi lượt click hoặc tải quảng cáo đó, Trường được hưởng 0,01 USD. Nhờ các ứng dụng này, mỗi tháng trung bình anh thu được 2.500-3.000 USD.
Đặng Văn Giỏi (23 tuổi) cũng vừa tốt nghiệp Đại học Hòa Bình năm 2012. Bắt tay vào công việc lập trình ứng dụng cho mobile từ tháng 2/2012, đến nay anh có khoảng 23 app thành công. Nhờ đó, thu nhập trung bình của Giỏi mỗi tháng khoảng 1.500 USD.
Theo các lập trình viên, các đơn vị đặt quảng cáo thường ở nước ngoài, thanh toán qua tài khoản ngân hàng. "Việc thanh toán hàng tháng hoặc theo chu kỳ như thế nào là do thỏa thuận giữa mình và đơn vị đặt quảng cáo. Hiện nay giá trung bình cho lập trình viên Việt Nam là 0,01USD, nếu ứng dụng tốt, có thể được trả mức cao hơn", Giỏi chia sẻ.
Ở Việt Nam, nghề lập trình ứng dụng cho mobile manh nha vài năm trước nhưng thực sự rộ lên khoảng 2 năm nay. Chủ yếu các lập trình viên tự làm rồi mời quảng cáo, lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế.
Các lập trình viên cho biết kiếm tiền qua các dịch vụ này cũng không ít gian nan. Trường cho biết, để có ý tưởng viết một ứng dụng và hoàn thành nó phải mất khá nhiều thời gian, công sức. "Một số công trình mình làm liên tục phải mất 2-3 tháng mới xong. Những ứng dụng đơn giản hơn thì khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng hút khách để mời chào quảng cáo", lập trình viên này cho hay.
Hiện số lập trình viên tham gia ngày một lớn, nên theo Trường, tính cạnh tranh cao hơn. "Một ứng dụng đưa ra phải tốt, thiết thực thì mới được ưa chuộng và hút được nhiều quảng cáo. Bên cạnh đó, phải không ngừng xây dựng ý tưởng để cho ra đời những ứng dụng mới", Trường chia sẻ.
Còn Giỏi thì cho rằng, một trong những khó khăn nhất của công việc này hiện nay là người làm gần như phải tự mày mò qua các tài liệu bằng tiếng Anh trên mạng. Những tài liệu tiếng Việt hiện nay không có, chủ yếu chỉ là những kinh nghiệm của dân trong ngành chia sẻ với nhau. "Ngoại ngữ của mình hồi đầu không tốt nên khá vất vả", Giỏi nói.
Sự cạnh tranh ngày một lớn nên quảng cáo như thế nào để hút người dùng cũng khiến các lập trình viên phải "đau đầu". Thành viên có nickname codemaster - lập trình viên mobile cũng chia sẻ trên một diễn đàn: “Mình cũng thử làm một vài ứng dụng free trên Google Play và kiếm tiền nhờ quảng cáo. Tuy nhiên tháng đầu có ít người tải ứng dụng, chỉ được gần 20 USD nên nản lắm”.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các đàn anh, thành viên này bắt đầu quảng cáo trên các trang mạng xã hội, cải tiến chức năng của ứng dụng, nên hiện tại, lượt tải đã tăng lên gấp nhiều lần. “Theo mình, một trong những bí kíp để thu được lợi nhuận nhiều từ dịch vụ này là ứng dụng phải có sức hút với người dùng và biết cách quảng cáo nữa”, thành viên này chia sẻ.
Ngọc Minh - Bùi Nhung