Làng Chiêm Sơn lâm vào cảnh đói kém từ những năm 1997-1998 vì tằm làm ra không ai mua, đến nay, tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Bà con phải xếp những giỏ, nong nuôi tằm vào một góc, chặt bỏ hàng trăm ha dâu để trồng bắp và khoai lấy cái ăn. Nhiều người hỏi mua nong về phơi lúa nhưng người dân nơi đây không bán, cố chờ đến ngày tơ tằm có đầu ra.
Từ khi mới hình thành cảng thị Đại Chiêm, những năm đầu thế kỷ 17 (nay là phố cổ Hội An), tơ lụa đã là một trong những sản vật của Quảng Nam được nhiều khách buôn phương Tây biết đến và ưa chuộng. Người được tuyền tụng là có công lớn trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của đất Quảng Nam trong thời kỳ này là Bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi (quê ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). (Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn) |
Anh Nguyễn Á, nhiều năm là Giám đốc Nhà máy ươm tơ Giao Thủy, bộc bạch: "Nhớ nghề, tiếc thợ giỏi, tôi vào tận Lâm Đồng gọi thợ cũ trở về. Có lúc tơ đọng hàng tháng không có khách hỏi, nhà không còn một đồng đong gạo mà hai vợ chồng vẫn phải duy trì việc ở lò ươm để giữ thợ". Cô thợ trẻ Trần Thị Phương đã bỏ xứ vào Lâm Đồng làm thuê, nhưng lại quay về, lương 20.000 đồng/ngày cũng chấp nhận, chỉ mong có việc làm thường xuyên. Một cán bộ Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha dâu bị xóa sổ, thay vào đó là các loại cây ngắn ngày như dưa hấu, lạc, ngô... Năm 2001, UBND tỉnh chủ trương phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm và hỗ trợ mỗi ha dâu trồng mới 2 triệu đồng, song chỉ lác đác vài hộ chuyển diện tích đất màu sang trồng dâu giống mới. Mỗi nhà chỉ làm vài sào đã được coi là nhiều, người dân vẫn không khỏi nghi ngại về khả năng bán được tằm nếu quay lại với nghề trồng dâu.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam, số lao động chưa có việc làm ổn định của các huyện có nghề trồng dâu nuôi tằm như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn lên đến gần 10.000 người, một nửa trong số đó là lao động trẻ, đã bỏ quê đi nơi khác kiếm ăn.
(Theo Tuổi Trẻ)