Ông Nguyễn Văn Sửu, 72 tuổi, ở thôn Tân Trung, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê trồng 1.000 cây dó trầm, đến nay cây đắt nhất bán được 70 triệu đồng. 20 năm trước, ông Sửu mua dó trầm giống về trồng. Năm 2010, thương lái bắt đầu hỏi mua, cây rẻ bán một triệu đồng, đắt nhất 70 triệu đồng.
"Từ khi trồng dó trầm đến nay gia đình thu một tỷ đồng. Năm ngoái tôi bán 3 cây được 28 triệu đồng, trong vườn có một cây họ định giá 50 triệu đồng nhưng tôi không muốn bán, vì thấy chưa cần thiết ", ông Sửu nói.
Theo ông Sửu, dó trầm được thương lái ở Thừa Thiên Huế thu mua, dùng cưa máy đốn, nếu cây tốt đào luôn cả gốc, giá bán theo thỏa thuận. Họ mua trầm về làm hương, dầu, chế tác làm trầm cảnh, lấy tinh trầm ngâm rượu...
Xã Phúc Trạch và Hương Trạch là "thủ phủ" gió trầm của Hà Tĩnh với diện tích 360 ha, cho thu nhập cao bên cạnh bưởi Phúc Trạch. Dọc hai bên đường liên thôn, những hàng dó trầm khoảng 5 năm tuổi, cao hơn 5 m, thẳng tắp, trồng trong các khu vườn rộng 1-5 ha, xung quanh được bảo vệ bằng hàng rào lưới sắt.
Ông Phan Văn Tính, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết dó trầm là cây bản địa, hàng trăm năm trước người dân đã trồng song không biết giá trị kinh tế của nó. Năm 1990, khi nhiều thương lái ở Thừa Thiên Huế ra đây thu mua cây, thuê đất mở trang trại trồng, khai thác và bán được giá cao, bà con mới bắt đầu khoanh vùng trồng tập trung với diện tích lớn.
Tháng 3-4 hàng năm, khi dó trầm ra trái, người dân thu hoạch hạt và đóng bầu ươm cây giống. Sau 3 tháng, cây mọc khoảng 30 cm đến 100 cm thì bán giống. Cây được trồng quanh năm, dưới hố sâu khoảng 30 cm, mỗi hàng cách nhau 1,5 m. Một năm phải bón phân chuồng hoặc phân hóa học xung quanh gốc một lần.
"Đất trồng dó trầm phải là đất nhàn rỗi, người dân phải kiên trì vì khoảng 10 năm mới cho thành quả. Phúc Trạch và một vài xóm ở Hương Trạch có hàng trăm ha đất không úng nước, thích hợp cho cây phát triển", ông Tính nói.
Cây dó trầm trưởng thành cao trung bình 20 m, đường kính 30-40 cm, tán rộng 8-10 m. Khi cây được 7 đến 10 năm tuổi, người dân bắt đầu khoan, đục lỗ trên thân, bôi dầu vào bên trong lỗ để kích thích cây tạo ra dầu. Sau 2,5 năm, những cây đã khoan lỗ có thể cho thu hoạch. Cây nào không bị sâu đục thân ăn là loại bỏ, không thể bán. Cây giá trị thấp nhất khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình 15-50 triệu đồng, trong xã Phúc Trạch có một vài người bán giá lời 400 triệu đồng.
Dó trầm phát triển tự nhiên, ít rủi ro, song đôi lúc gặp thời tiết bất lợi dễ bị sâu ăn lá tấn công, khiến lá thiếu dưỡng chất và rụng. Việc này khiến cây bị trơ trọi cành, vàng cháy cả một góc vườn, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng. Các chủ vườn cần ra thăm cây thường xuyên, khi phát hiện lá bị sâu phải phun thuốc diệt.
Ngoài bán cho thương lái ở Thừa Thiên Huế, tại xã Phúc Trạch có một hợp tác xã chế tác dó trầm. Khi đốn cây về, công nhân sẽ dùng dao, đục đẽo hết phần thân bên ngoài, lấy những khúc gỗ trầm hương đen nhánh ở giữa để tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao như: trầm cảnh, tượng điêu khắc, vòng trầm, giá bán từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng tùy loại.
"Xã có 1.700 hộ trồng dó trầm. Năm 2019, tổng số tiền thu về từ bán cây và chế tác sản phẩm trầm hương khoảng 60 tỷ đồng. Đây là cây có giá trị kinh tế cao, xã khuyến khích bà con phát triển, đã đề nghị cấp trên công nhận là cây chủ lực, xóa đói giảm nghèo", Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Phan Văn Tính nói.
Cây dó trầm hay còn gọi là dó bầu, trầm hương, thuộc họ trầm gồm 21 loài. Theo các chuyên gia, ngoài làm cảnh, trang sức, trầm hương còn được dùng ngâm rượu làm thuốc bóp, phối hợp với các vị thuốc để hỗ trợ điều trị một số bệnh như đau dạ dày, hen suyễn, tiêu hóa kém...