Đoàn Thị Cảnh -
Trường hận ca mở đầu bằng chương viết về ngõ nhỏ, về những câu chuyện đồn đại, về hàng ngàn hàng vạn con người bé nhỏ vụn vặt. Ngõ nhỏ nên tất cả khuất lấp trong bóng râm: "Ngõ hẻm Thượng Hải không thể nào nhìn thấy tình cảnh, như rêu xanh trong bóng râm, kỳ thực như những vết thương kín miệng, như những vết đau được thời gian xoa dịu. Bởi không danh chính ngôn thuận, đều lớn lên trong bóng tối, nhiều năm không thấy ánh mặt trời " (tr15). Ngõ nhỏ chính là nơi mang trong mình những câu chuyện bé nhỏ vụn vặt của con người, cả những oan khuất chìm sâu chẳng bao giờ phô bày dưới ánh mặt trời. Ngõ nhỏ Thượng Hải chằng chịt những số phận, những lời đồn đại tạo nên một khung cảnh mờ xám cho toàn bộ tác phẩm. Vương Kỳ Dao là một cô gái xuất thân trong những ngõ nhỏ, cũng có thể nói là một điểm sáng trong cái nền mờ mờ xam xám ấy. Tuy có một đoạn đời sống trong phù hoa nhung lụa, nhưng có thể nói cuộc đời Kỳ Dao gắn liền với những con hẻm nhỏ của Thượng Hải. Tuổi phòng khuê thì đó là ngõ nhỏ Thượng Hải, và sau cơn binh biến sau khi phải đi đến Cầu Ô để lãng quên, nàng lại quay về hẻm Bình An. "Thượng Hải có ít nhất trăm hẻm Bình An. Hễ nhắc đến hẻm Bình An, trước mắt lại hiện ra những ngỏ nhỏ sâu hun hút, quanh co, rác rưởi bẩn thỉu" (tr212). Hẻm Bình An có thể bắt gặp ở bất cứ một thành phố đông dân nào. Nó là mặt đối lập của cái phồn hoa đô thị, nhưng cũng là nơi thể hiện sâu sắc những tâm tư uẩn khuất của con người. Tên hẻm Bình An như một lời cầu khẩn của những con người sống mà tai họa có thể đến bất cứ lúc nào. Không chọn những gì hoa lệ, hoa lệ chỉ là bóng dáng ảo tưởng, dường như tác giả muốn đi sâu vào những mặt khuất lấp trong đời sống con người. Cái nền mờ mờ xám nhạt ấy trở thành bối cảnh câu chuyện. Cũng như lịch sử bị đẩy lùi ra đằng sau nhường chỗ cho những sinh hoạt hằng ngày. Tác giả chậm rãi dẫn dắt bạn đọc qua những con ngõ những sinh hoạt hằng ngày của con người mà chính ở cái nền ấy mới có những bi kịch bị lãng quên khuất lấp. Có bao nhiêu thân phận trong những ngõ nhỏ, có bao nhiêu con người trong những con hẻm với những tâm tư vui buồn những câu chuyện chẳng bao giờ được phô bày dưới ánh mặt trời? Bối cảnh truyện tạo nên một giọng điệu riêng chậm rãi và tâm tư như lẩn quất từng câu chữ. Đây chính là dụng ý của tác giả. "Cốt truyện của Trường hận ca rất đơn giản, một cô gái Thượng Hải được sống trong lầu son nhung lụa, bỗng thời cuộc thay đổi có quan hệ với một thanh niên, về sau bị giết chết một cách oan khuất. Chuyện rất đơn giản, nghe như một mẩu tin trên mặt báo. Nhưng kể lại câu chuyện, tôi đã đặt nó trong một bối cảnh, cho nên tôi đã viết về ngõ nhỏ, về đàn bồ câu, tất cả những cái đó đều nằm ngoài cốt truyện. Chỉ có bối cảnh ấy câu chuyện mới có giọng điệu riêng". (Vương An Ức, tr550). Bối cảnh đã tạo nên những thành công cho câu chuyện. Và trong bối cảnh ấy con người mới cảm nhận được sâu sắc bi kịch lãng quên của cuộc đời.
"Trường hận ca" đã được dựng thành phim với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Huỳnh Dịch (vai Vương Kỳ Dao lúc trẻ) và Trương Khả Di (Vương Kỳ Dao trung niên). |
3. Thời gian chậm rãi mơ hồ, hiển hiện trong vạn vật:
Ngòi bút của Vương An Ức như đạt đến chỗ diệu kỳ khi diễn tả sự lãng quên của cuộc đời đối với Kỳ Dao. Kết tinh của ngòi bút ấy nằm ở việc miêu tả thời gian. Thời gian của chuyện nhẹ nhàng tưởng chừng khuất lấp nhưng lại hiển hiện trong nhiều thứ. Nó nhắc nhớ đến xót xa. Thời gian hiển hiện qua trang phục, qua những tấm áo thời son trẻ. Áo quần chứa một nghịch lý xót xa. Nàng lưu giữ những mảnh áo của thời nhung lụa như lưu giữ tuổi hoa của mình. Nhưng chính trên những trang phục ấy, với những chỗ phai màu, chỗ rách vì mối mọt, chỗ không hợp thời lại chính là vật chứng nhắc nhớ nàng chúng đã xưa cũ. Và nàng cũng xưa cũ phai mờ dần theo thời gian miên viễn trôi ấy.
Thời gian nằm trong cảnh vật. Đến đâu nàng cũng như nhận thấy bóng dáng của quá khứ. Từng buổi dạ hội, từng câu thơ, từng món ăn...trong cuộc sống hằng ngày, nàng bỗng dưng so sánh với quá khứ cách bốn mươi năm. Trong mỗi buổi dạ hội của Vi Vi, Kỳ Dao có một chỗ ngồi lặng lẽ, không ồn ào nhưng không thể thiếu vắng. Nàng như một thứ trang trí, mang đến cho mỗi buổi hội một bóng dáng hoa lệ của quá khứ.
Thời gian nằm trên khuôn mặt nàng với sự lụi tàn của sắc đẹp. Nàng vẫn đẹp nhưng không phải là cái đẹp tươi tắn của thời son trẻ. Cùng với những mối tình qua đi Vương Kỳ Dao trở thành một vẻ đẹp được phủ bóng bởi thời gian. Và cả danh hiệu "hoa hậu Thượng Hải" cũng vô tình đóng đinh vẻ đẹp của nàng vào một thời điểm quá khứ. Một quá khứ không thể kéo lùi, không thể níu giữ, cũng không thể nào lãng quên được đối với Kỳ Dao.
Sáng tạo nên nhân vật "Cô-lo" tác giả lại càng khắc họa vị chua chát về thời gian. Cô-lo là tên chung để chỉ những người sống trong thời hiện tại mà tâm hồn, phục trang, cử chỉ như là của những năm 40. Trong tác phẩm có một chàng Cô-lo như thế. Anh ta say mê Vương Kỳ Dao, nhưng đó là sự say mê đối với một món đồ cũ xưa đã được đánh bóng bởi những biến động, những tao loạn của lịch sử. Khi đối diện với tuổi già, với sự cô đơn của nàng, Cô-lo không thể nào chịu đựng được "cơn ác mộng" ấy và đã lặng lẽ rời bỏ nàng. Cô-lo cũng chỉ là một kẻ học đòi, chán ghét hiện tại nên cảm thấy quá khứ tốt đẹp. Nhưng có yêu quý quá khứ đến đâu chàng ta cũng chỉ là con người của hiện tại, không thể mang đến cho nàng một tình yêu. Tình yêu của nàng đã đóng băng cùng với quá khứ . Không thể kéo lùi cũng không thể sống với quá khứ mộng ảo được. Cô-lo xuất hiện càng làm cho thời gian mài mòn thêm cuộc đời Vương Kỳ Dao, như một sự đối xứng chua chát giữa tuổi trẻ và sự già nua, giữa quá khứ và hiện tại, giữa phù hoa và mờ nhạt.
Thời gian còn thể hiện rất rõ trong sự cảm nhận củaVương Kỳ Dao. Câu chuyện là một cuộc đời bi thương có nhiều đoạn tối sáng, lúc thăng lúc trầm. Nhưng thời gian như đọng lại ở những đoạn chờ đợi ở tuổi già với những ngày tháng trôi qua trong mòn mỏi. Không ai hơn nàng cảm nhận thời gian rõ đến thế. Ngày của nàng cứ trôi qua. Thời gian chậm chạp, dài lê thê. Đó là thời gian của sự mỏi mòn, thời gian kéo dài như chờ đợi một điều gì đó mà chính nàng cũng không thể biết. "Trước mặt, khói sương bao phủ, trong lòng cũng bao phủ khói sương. Chỉ một điếu thuốc là đủ, thuốc tắt rồi vẫn ngồi lắng nghe những âm thanh chuyển mùa ngoài kia. Tất cả đều lọt qua khe tường, phải yên tĩnh lắm mới nghe thấy. Là những tiếng xào xạc phủ che sương khói. Liệu còn ai cảm nhận được thời gian như nàng? Đừng nghĩ ngày của nàng u ám, mơ hồ, tất cả đều đảo ngược. Tấm rèm cửa sổ lay động, bạn thấy đó là gió, nàng nhìn ra thời gian. Tiếng cót kẹt trên sàn nhà và cầu thang, bạn cho là mọt, nàng thấy đó là thời gian. Tối chủ nhật nàng không đi ngủ sớm, ai bảo canh khuya lẻ bóng, nàng đang trôi cùng thời gian đấy! (tr 449-450). Giọng văn nhẹ nhàng mà như ai oán. Con người mòn mỏi trôi cùng thời gian, khi cảm nghe được rất rõ thời gian phải chăng là khi con người đang đối diện với tuổi già và cái chết?
Toàn bộ câu chuyện được phủ lên một phông màu thời gian chậm rãi mơ hồ. Đặc biệt tác giả khắc hoạ khoảng thời gian tâm tưởng, thời gian trên những ky niệm: " là kỷ niệm cũng không thể nào chống lại sự đời nương dâu bãi biển" (tr 453-454) "và thời gian quá khứ làm cho câu chuyện trở nên mờ ảo như sương như khói". Một nỗi niềm hoài cổ bao trùm lên tác phẩm.
Trường hận ca một lần nữa kể câu chuyện định mệnh của khách hồng nhan. Bằng cách kể chậm rãi tác giả đẩy lùi rất nhiều sự kiện ồn ào làm cho tác phẩm có màu sắc riêng, nhẹ nhàng và cô nén. "Không ai giỏi hơn Vương An Ức trong việc đan dệt từ những mối liên hệ ầm ào của đời sống, những tiếng vọng giữa những câu chuyện nhỏ và một lịch sử lớn; rồi đem lại những giá trị lớn lao cho hàng nghìn những sắc thái, những run rẩy của một tâm hồn đàn bà bị xé nát bởi đau buồn và vỡ mộng" (Philipe Piquier) (Bìa 4). Sắc thái nhẹ nhàng, giọng văn cô đúc, tâm tư đuợc dồn chặt đã mang đến cho tác phẩm một vẻ đẹp riêng. Giữa lúc văn học Trung Quốc ầm ào với những cách viết mới mẻ, Tây học Vương An Ức khẳng định chất hàm súc dư ba, sự giản dị của lối hành văn cổ điển vẫn có sức lay động lòng người.
Câu chuyện không chỉ là một thân phận mà trên hết là bi kịch bị lãng quên. Vương Kỳ Dao chết mang theo tất cả oan khuất. Không ai hay biết trong con hẻm nhỏ ấy có một thân phận người đẹp chìm nổi đã chấm dứt. Cuộc sống vẫn diễn ra. "Bồ câu từ tổ chúng vụt bay lên như tên bắn vào không trung, bóng dáng mạnh mẽ vút nhanh qua cửa sổ nhà nàng. Cây trúc đào đối diện đã nở hoa, cỏ hoa bắt đầu một mùa xanh tươi" (tr545). Không một giọt lệ, một tiếng bi thương dành cho người đẹp một thời ấy. Chỉ có đàn bồ câu với đôi mắt đỏ như màu máu oan uất bay lên, lưu giữ những bí mật không bao giờ phô bày dưới ánh mặt trời. Những ngỏ nhõ bạn và tôi đang sống có bao nhiêu câu chuyện như vậy? Có bao oan khuất giấu kín như vậy? Và cuộc sống tưởng mờ xám nhưng có thể lãng quên mài mòn tất cả, con người bé nhỏ trước định mệnh và trước cái không cùng tận của thời gian. Mãi mãi chảy trôi...
----
Chú thích: Tất cả các trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ Trường hận ca, (2006), Vương An Ức, NXB Hội nhà văn, Sơn Lê dịch, Vương Trí Nhàn giới thiệu.