Đoàn Thị Cảnh -
Hơn một nghìn năm trước, trong mối thương cảm mối tình bi thảm của vua Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, Bạch Cư Dị đã để lại cho người đọc muôn đời một tác phẩm đầy đau thương uất hận Trường hận ca. Tiếng vang của tác phẩm là nỗi hận muôn đời của một mối tình li biệt, của thân phận "hồng nhan bạc mệnh". Tác phẩm là tiếng bi thương cho cảnh ngọc nát châu chìm:
Thiên trường địa cửu hữu thì tận
Thử hận miên miên vô diệc kì
(Trời đất lâu bền rồi sẽ tận
Hận này muôn thuở vẫn miên miên)
(Bản dịch của Yã Hạc Trịnh Nguyên)
Câu chuyện là những bước chân chậm rãi ngắm nhìn thành phố Thượng Hải. Nhưng đó không phải là thành phố hoa lệ, trung tâm thương mại lớn nhất Trung Quốc của nửa cuối thế kỷ XX. Cũng không phải là những sự kiện lịch sử ầm ào biến động của Trung Quốc những năm bi hài kịch ấy. Thành phố Thượng Hải hiện lên chỗ tối, chỗ sáng. Đôi nét phù hoa với nhung lụa, với giây phút đăng quang, với ánh đèn sân khấu hay những đêm hội...; đôi nét u xám của những ngõ nhỏ, hẻm Bình An -như một lời khấn cầu cho cuộc sống trong một hoàn cảnh mà con người có thể gặp tai họa bất cứ lúc nào...; đôi nét trầm lặng oan khuất với những đôi mắt bồ câu đỏ như máu biết tất cả mà không thể nói thành lời... Trong cái nền mờ mờ xam xám ấy là Vương Kỳ Dao mà cuộc đời là một câu chuyện lãng mạn bi thương. Thân phận của Vương Kỳ Dao trở thành một sự tiếp nối những thân phận hồng nhan bạc mệnh, nỗi buồn của nàng vấn vít từng câu từng chữ trong tiểu thuyết, cuộc sống của nàng là trôi cùng thời gian... tất cả tạo nên một bi kịch. Trên cả bi kịch hồng nhan bạc phận, điều mà Trường hận ca khiến người đọc xót xa còn là bi kịch của sự lãng quên.
Bi kịch ấy được thể hiện bằng một vẻ đẹp cổ điển. Giọng văn diễm lệ tựa hồ nước chảy mây trôi, buồn thương man mác. Một bi kịch lớn của muôn đời, một nỗi niềm thương hoa tiếc ngọc. Tác phẩm là sợi dây nối cổ kim, vẫn nỗi hận đã đi vào văn học nay trở thành nỗi đau của thân phận con người bị chìm khuất lãng quên trong dòng chảy vô tình của thời gian và trong sự vô tình của chính con người.
1. Vẻ đẹp dung dị đời thường
Nhân vật chính trong tác phẩm là Vương Kỳ Dao được tác giả xây dựng như kết tinh của một vẻ đẹp cổ điển và là hiện thân cho một nỗi niềm thân phận. Tác giả không có dụng ý xây dựng một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, một vẻ đẹp của nghệ thuật. Cái đẹp của Vương Kỳ Dao là vẻ đẹp của con người hằng ngày, vẻ đẹp dung dị. "Hình ảnh Vương Kỳ Dao đi vào lòng người có thể hình dung bằng từ đáng yêu" (tr59). Hay như bức ảnh đầu tiên của nàng cũng dung dị gần gũi và như đại diện được cho đời sống Thượng Hải. "Tấm ảnh có dáng dấp thực dụng, không có vẻ xa hoa (...) tóm lại nó vừa độ, ung dung,vô hại" (tr60). Đó là cái đẹp kết tinh từ những con ngõ nhỏ, từ những cuộc sống thường nhật, cái đẹp kín đáo bình tĩnh mà ngắm nhìn mới có thể nhận ra được. Vẻ đẹp ấy không phải là vẻ đẹp ước lệ như chân dung các người đẹp trong các tác phẩm cổ điển, không phải là cái đẹp có thể đi vào lịch sử như những Tây Thi, Điêu Thyền, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi... Nó như một loài hoa trắng giản dị và đáng yêu. Chính vì thế mà thân phận Vương Kỳ Dao như có thể đại diện cho nhiều thân phận của rất nhiều người đẹp khác trong cuộc sống. Và đấy cũng là vẻ đẹp có thể bị mai một lãng quên! Với những vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, trong niềm đau của thân phận dẫu sao cũng để lại những dư vị những thương tiếc và tấm lòng tri âm của hậu thế. Còn những con người như Vương Kỳ Dao tàn tạ thì cũng như hoa rơi lá rụng "đáo địa nhất vô thanh" (Vi Thừa Khanh) mà thôi!
Nỗi niềm thân phận của khách hồng nhan xưa nay không phải là lạ trong văn học. Người đẹp như châu như ngọc, ngọc nát châu chìm sao không khỏi để lại xót xa! Đó là mối hận dằng dặc cho dù năm cùng tháng tận. Vương Kỳ Dao cũng mang một thân phận của khách hồng nhan đa truân. Nàng vốn là một người đẹp Thượng Hải, sống trong nhung lụa, với tư cách là người tình của một tướng lĩnh cấp cao, rồi trong cơn binh lửa nàng gặp cảnh ly loạn, sau sống trong hẻm Bình An, những mối tình nhàn nhạt và cuối cùng bị giết chết một cách oan khuất. Cuộc đời như vậy có thể gọi là bất hạnh. Vương Kỳ Dao cũng tiếp nối những số phận hồng nhan làm nên bản trường ca ai oán về định mệnh khắc nghiệt. Nhưng có thể thấy đó là cái bất hạnh của con người đời thường, vì vậy nó cũng bị khuất lấp trong hàng ngàn điều thường nhật khác. Thân phận của Vương Kỳ Dao không phải là một bài bi ca lịch sử đẫm lệ, cũng không phải là một thiên tình sử ai oán mà đó là bi kịch của sự lãng quên. Cho nên có thể nói Vương An Ức đã tiếp nối truyền thống một đề tài cổ điển nhưng rất tài tình khi tạo nên được một nét mới cho đề tài ấy.
Cùng với không gian ngõ nhỏ, vẻ đẹp đời thường của Vương Kỳ Dao là nhân tố để làm nên bi kịch lãng quên. Không phải là nhân vật gắn liền với lịch sử hào hùng và cả đau thương của dân tộc Hoa Hạ, không phải là vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành để lại muôn đời một niềm tiếc thương. Lịch sử bị đẩy lùi đằng sau, trở thành phông màn cho câu chuyện. Nó nhường chỗ cho những sinh hoạt hằng ngày, những câu chuyện tình, những chuyện đồn đại, những mảnh tâm tư vấn vít câu chữ. Vương Kỳ Dao không đại diện cho bi kịch lịch sử, cũng không đại diện cho bi kịch tình yêu. Dường như sự lãng quên đã khởi đầu từ một thân phận không bao giờ với tới tình yêu ấy. Một mối tình thoáng qua mang tính định mệnh với một chính khách. Một chút tâm tư "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" với "cậu Hai" nơi Cầu Ô - không gian của lãng quên. Một chút tình xót xa với một chàng thanh niên yếu đuối. Một mối hoài cổ với "Cô-lơ". Cuộc đời Vương Kỳ Dao chưa từng tỏa sáng trong tình yêu, hai lần mặc áo cưới chỉ là chuyện trên bục diễn, không có một đấng tùng quân, không có tri kỷ, tất cả tưởng như là sự lựa chọn của nàng nhưng thực ra đều là số phận đẩy đưa. Và sau mỗi mối tình ấy nàng như lụi tàn thêm, tuổi trẻ như rời xa thêm, tâm tư như mài mòn thêm. Hồng nhan như hoa vậy, lụi tàn theo mỗi dấu chân ong. Có lúc tưởng như có được kẻ tri âm. Nhưng thời gian trôi qua mới thấy rằng cả cuộc đời nàng là cuộc đời chưa bao giờ với đến tình yêu. Nàng trôi vào lãng quên của thời gian, của con người và chẳng bao giờ được nhắc nhớ trong lòng một tri kỷ.
2. Bối cảnh thành phố Thượng Hải hoa lệ, ảo ảnh và những ngõ nhỏ u tối
Câu chuyện được đặt trong bối cảnh thành phố Thượng Hải với hai khuôn mặt đối lập nhưng gắn kết nhau: hoa lệ và u tối. Tác giả gọi đây là "nhân vật chính" của tác phẩm. Vài nét phù hoa, vài nét u xám, vài nét u uất cuộc sống thường nhật của những người sống trong cuộc sống mờ nhạt mà khắc nghiệt. Bóng dáng của một trung tâm thương mại lớn nhất Trung Quốc bấy giờ chỉ là những nét sinh hoạt phù hoa của nhân vật trong những năm tháng tuổi trẻ. Chỉ có điều những phù hoa mộng ảo ấy được xây nên trong ánh hào quang giả tạo của trí tưởng tượng những cô gái trẻ Thượng Hải bấy giờ.
Thời kỳ của Vương Kỳ Dao là những con người với chủ nghĩa thương cảm: "Chủ nghĩa thương cảm đã được trào lưu hóa, cách thức cũng là học người. Một ngọn lá rụng cũng được kẹp vào trang sách, một cánh bướm chết cũng được cất giữ trong hộp phấn, các cô nhỏ nước mắt cho chính mình, những giọt nước mắt chảy ướt đẫm" (tr37). Thành phố Thượng Hải hoa lệ trong trí tưởng tượng của những tiểu thư phòng khuê. Thành phố Thượng Hải mộng ảo trong những chiếc gương của chung cư Alice - nơi tuổi hoa của giai nhân và mối tình kín đáo của chính khách. "Alice còn một đặc điểm khác, nhiều gương, gương đối diện với cửa ra vào, đóng cửa lại vẫn thấy gương (...). Bởi vậy, người ở chung cư Alice đều hai, một người thực, một người hư không; một người thật, một người giả. Tiếng hát trong máy quay đĩa cũng hai âm thanh, kim cùn cùng lúc chạy hai rãnh. Mộng ảo là cái bóng lúc tỉnh, tối là cái bóng cuả sáng, đều là một nửa đối xứng nhau" (tr143). Lấy ảo làm thực, rồi khi sống trong thực lại cho là ảo. Thượng Hải gắn liền với tuổi trẻ Vương Kỳ Dao chính là nơi mộng ảo ấy. Mộng ảo là bóng, đẹp như phù dung hoa, mong manh ảo ảnh.
Rực rỡ trong tác phẩm có lẽ là hình ảnh của ánh đèn. Ánh đèn của xưởng phim, ánh đèn của sân khấu, ánh đèn của tiệm chụp ảnh... Nhưng đấy là những nơi chân chính hay ngụy tạo các cô đều không phân biệt được. Cuộc đời của Vương Kỳ Dao mở ra trong ánh đèn của xưởng phim và kết thúc ở ánh đèn chao trong căn nhà tồi tàn trong con hẻm nhỏ. Sân khấu vốn phù hoa, ánh đèn lại càng tăng thêm cái phù hoa giả tạo. Vở kịch đời người cũng chỉ là một thứ phù hoa mà thôi. Những buổi tiệc, những đêm dạ hội trong thời gian Vương Kỳ Dao sống trong nhung lụa phảng phất nên bóng dáng Thượng Hải bấy giờ. Nhưng cũng giống như những cánh bướm đêm, rực rỡ trong thoáng chốc rồi rã rượi trong ánh sáng. Những biến động của một thời binh biến đẩy những cô gái như Vương Kỳ Dao thoát khỏi mộng ảo rực rỡ này. Đồng thời nó lại mở ra một thời đại mới cùng những hoa lệ mới với những con người mới. Đó là thời của Vi Vi - con gái Vương KỳDao.
Cái rực rỡ của Thượng Hải bây giờ được thể hiện trong tiếng ồn, trong cuộc sống chen chúc tàu xe. Là thời của những mốt liên tục được thay đổi và quay vòng. Cứ thế trong nét sinh hoạt của con người, thành phố Thượng Hải thấp thoáng bóng dáng hoa lệ. Nhưng nó bị lẩn khuất vào mảng màu xám mờ của Thượng Hải với những ngõ nhỏ, những hẻm tối, những đàn bồ câu với đôi mắt đỏ như máu u uất ngàn đời. Đây cũng chính là tông màu chủ đạo của tác phẩm.
(Còn tiếp)
----
Chú thích: Tất cả các trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ Trường hận ca, (2006), Vương An Ức, NXB Hội nhà văn, Sơn Lê dịch, Vương Trí Nhàn giới thiệu.