Để phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/9 tổ chức quốc yến tiếp đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, bà Bành Lệ Viện, theo New York Times.
Danh sách khách mời đặc biệt
Vai trò đặc biệt của Bắc Kinh được thể hiện trước hết qua danh sách khách mời khi bên cạnh những tên tuổi của các quan chức chính phủ hàng đầu, một loạt người khổng lồ công nghệ Mỹ cũng góp mặt tại buổi tiệc. Trong số này có Mark Zuckerberg, người đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm đối với Facebook, công ty do ông sáng lập, hay Tim Cook, tổng giám đốc điều hành Apple, tập đoàn có số lượng điện thoại bán ra tại Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác trên thế giới.
Bản danh sách cũng xuất hiện nhiều tên tuổi lớn khác như Satya Nadella, tổng giám đốc điều hành Microsoft; Larry Ellison, tổng giám đốc điều hành hãng phần mềm Oracle hay Jeffrey Katzenberg, tổng giám đốc hãng hoạt hình DreamWorks.
Các ông Zuckerberg, Cook và Nadella đều ngồi cùng bàn cấp cao với Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập. Những lãnh đạo này đến dự tiệc chỉ vài giờ sau khi ông Tập cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc và Mỹ đã đạt đồng thuận về việc "cùng chiến đấu chống tội phạm mạng". Chính quyền Mỹ hiện cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp hàng triệu hồ sơ dữ liệu cá nhân từ hệ thông máy tính liên bang.
Trong lời chúc rượu của mình, ông Obama thừa nhận những khác biệt đối với Trung Quốc nhưng cũng cho rằng lịch sử của sự hợp tác đang trở lại trong những thập niên gần đây.
"Như người Trung Quốc thường nói, biển lớn nhận nước từ hàng trăm con sông, đất nước chúng ta cùng với nhau sẽ trở nên mạnh hơn khi chúng ta đón nhận sự đa dạng về quan điểm, những đóng góp và phát huy quyền lợi của mọi người dân", Tổng thống Mỹ phát biểu.
Ông Tập đáp lại bằng việc kêu gọi xây dựng một chương mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Nghệ thuật tổ chức
Quốc yến lần này khác biệt khá nhiều so với tiệc chiêu đãi cấp quốc gia diễn ra ở Nhà Trắng vào năm 2011 tiếp đón cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, món tôm hùm xứ Maine vẫn xuất hiện trở lại trong thực đơn cùng mỳ cuộn truyền thống nhúng với rau chân vịt, nấm đông cô và tỏi tây.
Nhà Trắng mời bếp trưởng Anita Lo, cũng là chủ sở hữu nhà hàng Annisa ở New York, làm đầu bếp danh dự đến phục vụ. Đây là một sự lựa chọn thú vị vì dòng họ của cô Lo nghe có vẻ mang hơi hướng Trung Quốc hơn so với đồ ăn cô nấu. Nhưng quan trọng hơn cả những mối liên kết với Trung Quốc kia, Lo là một trong những đầu bếp được săn đón nhất hiện nay.
"Những tín đồ ẩm thực tôn thờ đến cả chỗ đất cô ấy đặt chân lên", Cindi Leive, tổng biên tập tạp chí Glamour, nhận xét.
Thực khách ngồi ở các bàn tràn ngập hoa, được sắp đặt với 7 loại dụng cụ ăn và 4 loại ly rượu.
"Đây là cách xếp bàn ăn không còn phổ biến nữa. Nó cho tôi cảm giác hoài niệm khi nhìn vào", ông Will Guidara, người đồng sở hữu nhà hàng Eleven Madison Park ở New York, bình luận.
Sau bữa tối, ca sĩ từng giành nhiều giải Grammy Ne-Yo đến giải trí cho các vị khách bằng những ca khúc đương đại. Nhưng phái đoàn Trung Quốc phải bỏ lỡ phần trình diễn vì chuyến bay đến New York đã được lên lịch rời đi vào 22h.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama một lần nữa làm ngạc nhiên những người hâm mộ bà với bộ trang phục thảm đỏ váy đen trễ vai do Vera Wang thiết kế và kiểu tóc gợi nhớ những năm 1940.
"Bà ấy nhìn khá tuyệt, phải không?", ông Obama hỏi khi cặp vợ chồng đứng đầu Nhà Trắng chào đón ông Tập cùng phu nhân.
Bà Obama chỉ đơn giản mỉm cười trước lời khen ngợi của chồng.
Kate Bett, tác giả một cuốn sách về phong cách thời trang của bà Obama, cho hay cô khá ngạc nhiên khi đệ nhất phu nhân Mỹ chọn mặc màu đen thay vì màu đỏ như trong quốc yến trọng thị tiếp đón Trung Quốc trước đó. Bett nói cô càng ngạc nhiên hơn về kiểu tóc xoăn tầng thả sóng che một bên khuôn mặt của bà.
"Đó là một vẻ quyến rũ rất xưa cũ của Hollywood", Bett đánh giá.
Lê Vân