![]() |
Các "nghệ nhân" làng khóc đang phục vụ tang gia. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Không khí đám tang nhà cụ Lê càng trở nên bi ai, não ruột khi tiếng khóc nỉ non nghe đến thắt gan thắt ruột cất lên: “Ối ông ơi, tôi với ông trong đạo xướng tùy, biết gì nói nhớ, biết gì nói thương, nỗi sầu trong thảm ngàn thương, từ đây hai ngả để âm dương cách vời...”.
Hòa theo tiếng khóc là điệu kèn đưa đám í e não nùng. Quỳ mọp ngay linh cữu, bà cụ Lê cùng ba anh con trai mặc đồ xô trắng, đầu vấn khăn tang, khóc nức nở hòa theo. Cậu con cả của người đã khuất vừa quỳ sấp lạy vong linh thì tiếng khóc lại cất lên: “Ối bố ơi, chung rượu này con dâng lên bố mà như hình bóng bố vẫn còn đâu đây...”.
Khách viếng đã vãn, người đàn ông than khóc suốt từ chiều đến gần nửa đêm mới có dịp ngồi dậy lật đật ra bàn nước và nở nụ cười tươi rói phủi chân leo lên sạp đánh chén sau khi nhận của tang chủ vài chục nghìn. Ông là người được gia chủ thuê đến khóc thuê.
"Nghệ nhân" khóc thuê
Ông Nguyễn Văn Xẻ được xem là một trong những “truyền nhân số 1” của hai “làng khóc thuê” Hòa Nghĩa và Tân Phong, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Theo ông Xẻ, chỉ riêng ở Hòa Nghĩa, Tân Phong đã có hơn chục “truyền nhân” chuyên nghiệp như cụ Khang, cụ Đón, cậu Hạnh, cậu Nguyễn Thiện..., họ đều là thành viên trong các đội khóc - kèn Hợp Lễ, Hải Phong, Lão Phú...
Đây là những “khóc sĩ” trứ danh và là niềm tự hào của làng vì nhiều đám tang ở Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... và cả ở tận Hà Nội nghe danh tiếng thuê cả ôtô về tận nhà đón đi... khóc!
Ông Xẻ kể: “Từ xa xưa, tiếng khóc được thay cho việc phúng điếu ở các đám tang trong làng quê chúng tôi, người đến viếng không phải “bao thư” đi điếu như bây giờ mà chỉ cần khóc than cho người quá cố là coi như đủ thể hiện tấm lòng thành của mình.
Từ bé, nhiều đứa trẻ trong làng đã được cha mẹ dạy các bài bản khóc thuê để khi đi dự đám tang có thể viếng tang gia bằng tiếng khóc. Những điệu khóc bi thương ai oán trước đây cất lên không nhằm kiếm tiền mà còn là một sinh hoạt nghĩa tình của người sống với người chết, giữa người dân trong thôn với nhau”.
Theo cụ Khang, một cao niên trong nghề khóc, rất nhiều “khóc sĩ” ở làng đã tỏa đi các tỉnh, thành, vào tận miền Nam xa xôi để hành nghề khóc “gia truyền” của làng. Các “khóc sĩ” ở làng có những “bí kíp” gia truyền mà không nơi nào có được.
Khóc cũng có bí quyết
Trước đây, các cụ tổ những đời trước không chỉ truyền miệng mà còn ghi lại thành những quyển sách dạy bí quyết, kỹ thuật khóc hẳn hoi cho con cháu tỏ tường mà nối nghiệp. Từ những bài giảng làm thế nào để khóc theo đúng điệu cho ngọt, cho mùi, cho thật truyền cảm đến những chương tâm lý khai thác đúng tâm trạng, hoàn cảnh, tình cảm, mối quan hệ giữa người sống với người đã khuất...
Việc rơi nước mắt đâu phải lúc nào cũng được ứng dụng. Đối với hoàn cảnh nào, khách viếng là ai thì mới đưa khóc “khô” (không có nước mắt) hay khóc “ướt” (nước mắt đầm đìa) ra áp dụng. Theo sách ghi lại của làng, có đến 16 bài khóc thông dụng cho từng trường hợp, và các cụ tổ của làng còn ghi rõ năm điều cấm kỵ khi đi khóc thuê...
Ông Xẻ cho biết, bí quyết độc đáo nhất của nghề chính là khóc “ướt”, nước mắt khi trào ra phải tự nhiên, chân thật và nhiều cảm xúc nhất, tuyệt đối không được rặn hay xoa dầu cho cay để nước mắt tuôn ra và mỗi khi tuôn lệ cũng phải khớp với các bài khóc đã được ấn định. Nghe thì đơn giản nhưng là cả một nghệ thuật, các “khóc sĩ” phải khổ luyện ít nhất năm năm ròng mới có khả năng thực hiện được...
Từ 16 bài bản khóc “gia truyền”, hiện nay thế hệ hậu sinh đã “cải biên” ra hàng chục bài khóc, mà trình độ ngày càng cao hơn, lời khóc ngày càng ai oán hơn. Ông Xẻ kể: “Nhiều người khóc tài đến độ khách đến viếng cứ ngỡ họ là con cái trong tang gia, còn tang chủ khóc cứ như khách viếng. Thậm chí nhiều bài khóc đau lòng đến mức tang chủ quá xúc động đã ngất lịm ngay dưới quan tài”.
Khóc bây giờ đang là công việc làm ăn nghiêm túc. Ban đầu quanh vùng nhiều tang chủ cứ phải mời cho bằng được các “khóc sĩ” ở Tân Phong, Hòa Nghĩa về khóc cho tang gia. Họ bảo rằng chỉ có tiếng khóc của dân làng này mới chân thật, mới có thể giãi bày thay tâm trạng của họ với người thân đã qua đời.
Các “khóc sĩ” như anh Thiện, anh Hạnh, ông Xẻ... phải chạy sô đám tang quanh năm. Một ngày có người phải chạy đi khóc 3-4 đám, có những đám cách xa nhau hàng trăm cây số, có khi đêm nay nhận đám khóc ở Hà Nội thì sáng sớm hôm sau lại phải xuống tận Cát Bà để khóc.
Khóc ở Hòa Nghĩa, Tân Phong bây giờ đã trở thành một “công nghệ” hẳn hoi. Nhiều “khóc sĩ” mở lò đào tạo nghệ thuật khóc cho những người từ nơi khác đến học nghề, lại có người mở thêm vài ba chi nhánh khóc thuê ở Đồ Sơn, trung tâm TP Hải Phòng.
Một đêm khóc thuê với cả một đội kèn í e 4-5 người, tang chủ phải trả 400-500 nghìn đồng. Đó là chưa kể tiền “bo” riêng cho mỗi bài khóc 10.000-40.000 đồng.
“Chúng tôi có một giọng khóc và nghệ thuật diễn cảm riêng mà chẳng nơi nào “nhái” được”, anh Thiện tự hào nói. Một thời gian các quầy băng đĩa tổ chức thu âm tiếng khóc mang đi bán cho những gia đình có tang, nhưng tiếng khóc trong băng không có hồn, không truyền cảm nên người ta lại tìm đến đây.
(Theo Tuổi Trẻ)