Các ứng viên tranh cử khác có lẽ sẽ nhanh chóng bác bỏ một câu hỏi kiểu như "ông/bà nghĩ gì về giả thiết thẩm phán tòa tối cao Antonin Scalia bị sát hại?", Donald Trump sẽ không làm vậy.
Theo New York Times, câu hỏi như vậy sẽ được tỷ phú bất động sản xem là thú vị, không thể bỏ qua, và có lẽ là cơ hội gây chú ý lớn, theo kiểu văn hóa showbiz.
"Anh biết đấy, tôi vừa hạ cánh và nghe được chuyện đình đám này", ông Trump nói với người dẫn chương trình Michael Savage, tại một đài phát thanh ở bang South Carolina, trong cuộc phỏng vấn chỉ vài ngày sau khi thẩm phán tối cao Mỹ bất ngờ qua đời.
Cho dù khẳng định không thể bàn luận việc liệu có nên thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra sự việc này, ông Trump lại nhắc đến một tin đồn: "Tôi thấy người ta nói rằng có một cái gối được tìm thấy trên mặt ông ấy, đó là một vị trí rất không bình thường". Ông Scalia qua đời vào đêm 12/2 hoặc sáng 13/2 và được xác định là mất do nguyên nhân tự nhiên.
Khơi dậy thuyết âm mưu
Khác với hầu hết ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump không né tránh việc bình luận, hay thậm chí còn cố làm những giả thuyết hoang đường nhất trở nên đáng tin. Ông từng tuyên bố tại một cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử rằng ông biết một đứa bé hai tuổi mắc chứng tự kỷ ngay sau một lần đi tiêm vắc-xin.
Tỷ phú này từng xuất hiện trên các chương trình phát thanh của nhà thuyết âm mưu nổi tiếng Alex Jones, người cho rằng chính phủ Mỹ có vai trò nào đó trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cũng như vụ đánh bom giải Marathon Boston năm 2013.
Trước việc ông Obama không dự lễ tang thẩm phán Scalia, ông Trump còn viết trên Twitter rằng có lẽ ông Obama đã đi dự nếu nó diễn ra trong một đền thời Hồi giáo. Bình luận này làm dấy lên tin đồn nực cười là ông Obama, một người Thiên chúa giáo, có thể thực chất đang theo đạo Hồi, theo NYTimes.
Nửa mang hơi hướm những người phao tin đồn thường thấy trên phố, nửa giống những người truyền miệng những thuyết âm mưu được gửi qua email, ông Trump khai thác guồng máy tạo tin tức trong kỷ nguyên Internet, nơi những tin đồn bùng nổ như pháo hoa và sẽ mất nhiều thời gian trước khi tắt lịm. Việc ứng viên này sẵn sàng khai thác những website không chính thống khiến ông khác hẳn với hầu hết các ứng viên tranh cử hàng đầu khác.
"Ông ấy giống như một cuốn tạp chí Enquirer biết đi và kể chuyện", Erick Erickson, cựu tổng biên tập website có tư tưởng bảo thủ RedState nhận xét. National Enquirer là tờ báo "lá cải" rất phổ biến tại các siêu thị Mỹ. Ông Erickson thường dập tắt các thuyết âm mưu trên trang web của mình, ví dụ như tin đồn Tổng thống Obama được sinh tại Kenya, thay vì tại Mỹ.
Những chuyện "lá cải" siêu thị đó "lan truyền rất tốt - người ta thích những câu chuyện như người ngoài hành tinh nhóm họp với các tổng thống", ông Erickson, người thường chỉ trích ông Trump, bình luận.
Không hoàn toàn ngạc nhiên khi ông Trump thường sử dụng cụm từ "tôi nghe nói rằng" trước khi nói điều gì đó, cho dù thông tin ông truyền đi có nực cười ra sao. Vốn là người suốt mấy thập kỷ xuất hiện nhiều trên mặt các báo "lá cải" tại New York, ông Trump hiểu rõ sức mạnh của những câu chuyện như vậy, nhất là những việc khiến người nghe bị sốc và thu hút.
Năm 2011, chính những tin đồn về nơi sinh thực sự của ông Obama là "chiêu" ông Trump sử dụng để thu hút sự chú ý về việc ông có thể ra tranh cử. Năm đó, ông nhiều lần đề nghị Tổng thống Obama phải đưa ra giấy khai sinh được cấp ở Hawaii.
Tháng 4 năm đó, Trump tuyên bố đã cử các điều tra viên tới bang này. "Họ không thể tin vào những gì họ thấy", tỷ phú tuyên bố, nhưng không hề công khai những phát hiện đó là gì. Còn ông Obama sau đó đã đưa ra giấy khai sinh chứng minh ông sinh ra ở Hawaii.
Kể từ đó đến nay, ông Trump cố gắng tránh xa những tuyên bố về nơi sinh của ông Obama. Nhưng tỷ phú này đang sử dụng những câu hỏi tương tự, để khơi gợi sự hoài nghi về Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đến từ Texas. Ông Cruz là con một người Mỹ nhưng sinh tại Canada.
Trump còn dùng Twitter để phát tán những thuyết âm mưu khác, như số liệu thống kê giả về tội phạm da màu, và đặt câu hỏi vệ việc Thượng nghị sĩ Marco Rubio có đủ điều kiện trở thành tổng thống hay không, dù ông này sinh tại Mỹ.
Trả lời phỏng vấn kênh ABC News hôm 21/2, khi bị căn vặn về việc thường đưa ra những thuyết âm mưu như trên, ông Trump dùng chiến thuật quen thuộc để đánh lạc hướng: "Có một số người nói rằng ông ta không phải vậy (sinh tại Mỹ), và tôi chỉ đăng lại", ông Trump nói. "Chúng tôi mở ra các cuộc tranh luận, việc đó rất thú vị".
Corey Lewandowski, người quản lý chiến dịch tranh cử của Donald Trump, khẳng định ứng viên này không bị ràng buộc bởi quy chuẩn nào và chỉ muốn mở ra các cuộc đối thoại, chứ không phải là người dàn xếp các chủ đề.
"Điều tuyệt vời của Internet là nó tạo ra một diễn đàn để mọi người bày tỏ ý kiến, và khi ông ấy thấy một ý kiến có thể đáng thảo luận", có khi ông ấy sẽ dẫn lại, Lewandowski nói. "Ông Trump sẵn sàng có những cuộc đối thoại và thảo luận các vấn đề mà những ứng viên khác không sẵn lòng bàn thảo, bởi họ quá chuẩn xác về mặt chính trị".
Người Mỹ mất lòng tin
Dù vậy, đôi khi những chủ đề ông Trump đề cập trong quá trình tranh cử nghiêm trọng hơn, và để lại nhiều hậu quả hơn, ví dụ như bài đăng về đền thờ Hồi giáo, Obama và lễ tang thẩm phán Scalia. Ông Trump sau đó đã phải khẳng định mình chỉ muốn đùa vui. Lời nói của ông về việc tiêm vắc-xin có thể gây chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ hồi tháng 9/2015 cũng bị các bác sĩ và nhà khoa học kịch liệt bác bỏ.
Năm 2012, khi một ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng khác là bà Michele Bachmann, nghị sĩ bang Minnesota, có chiến dịch tranh cử "giật gân" tương tự ông Trump, bà nhanh chóng bị các nhà bình luận và báo giới tấn công tới tấp. Nhưng đến nay tỷ phú Trump hầu như không phải đối diện với những phản ứng nghiêm trọng như vậy.
Tại chiến dịch tranh cử ở bang South Carolina, ông Trump thậm chí còn khơi lại thuyết âm mưu về vụ khủng bố 11/9, khi nói rằng công chúng vẫn chưa được biết danh tính những kẻ tài trợ cho các vụ tấn công. "Nếu tôi chiến thắng, các bạn sẽ được biết ai đã thực sự làm sập Trung tâm Thương mại Thế giới", ông tuyên bố.
Christopher Ruddy, tổng biên tập trang tin Newsmax, cho rằng sự nổi tiếng của ông Trump lên cao một phần bởi sự mất lòng tin của người dân vào những định chế truyền thống, bao gồm cả những kênh truyền thông chính thống.
"Tôi không chắc ông ấy có thực sự tin những chuyện đó hay không, nhưng tôi tin ông ấy thích những cuộc bàn luận. Nó khiến mọi người tiếp tục quan tâm", Ruddy nói.
Theo ông Ruddy, ông Trump đang sử dụng phong cách nói chuyện "như thể bạn là hàng xóm sát vách, hoặc một người bạn của ông ta". Chính lối tiếp cận "chúng tôi chỉ đang tán gẫu" này khiến các cử tri trong tầng lớp lao động thấy tỷ phú này là người họ có thể gắn kết được, Ruddy nhận xét.
"Nó hiệu quả với ông ấy nhưng sẽ không hiệu quả với những người khác", ông Ruddy nói khẳng định.
Tuy nhiên, ông Erickson so sánh việc công chúng dành sự quan tâm cho những thuyết âm mưu giống như trượt xuống một con dốc nguy hiểm. "Các bạn tin rằng có một bàn tay vô hình nhúng tay vào mọi việc", ông nói. "Sau đó, bạn bắt đầu đổ lỗi cho một người nào đó kiểm soát bàn tay vô hình, và rồi bạn bị mất quan điểm về những gì thực sự xảy ra và không xảy ra, không phân biệt được thật với giả".
Xem thêm: Vì sao người Mỹ ủng hộ tỷ phú 'bạo miệng' Donald Trump
Hoàng Nguyên