Thứ năm, 21/11/2024
Thứ sáu, 16/9/2022, 00:00 (GMT+7)

Làng phế liệu ở ngoại thành Hà Nội

Hơn 15 năm nay, việc thu mua phế liệu trở thành nghề chính của 180 hộ dân thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Đống phế liệu cao gần bằng ngôi nhà ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu.

Thôn Xà Cầu trước đây nổi tiếng với nghề làm hương đen thủ công. Tuy nhiên, hơn 15 năm nay, nhiều hộ dân chuyển sang thu gom và phân loại phế liệu để bán cho các nhà máy tái chế rác.

Trong sân của gia đình anh Nguyễn Đình Hổ là hàng chục bao tải chất cao hơn 2 m, với đủ loại đồ nhựa, sắt, nylon... "Nhà tôi thu mua phế liệu về phân loại, rồi gọi các chủ to trong làng đến mua. Ngày ít cũng được một tấn, giá 3.000 đồng mỗi kg" anh Hổ chia sẻ.

"Tôi làm nghề này từ hồi còn chưa lấy chồng, nhưng có những năm thu nhập kém cả nhà nghỉ. Nhà tôi mới quay lại làm được hơn năm nay vì công việc ổn định, thu nhập hơn 10 triệu mỗi tháng mà không phải đi đâu xa nhà", bà Nguyễn Thị Duyên, 62 tuổi, cho biết.

Chị Đặng Thị Năm, người được thuê phân loại phế liệu, đang dùng nam châm để rà những thanh sắt lẫn trong rác thải nhựa trước khi đưa vào máy nghiền.

Đa số công nhân làm thuê đều là người dân ở thôn, thu nhập từ 200.000 đến 400.000 đồng mỗi ngày tùy theo mức độ công việc.

Ba công nhân nghiền nhựa bằng máy, sau đó ngâm qua nước và đóng vào bao tải tại một cơ sở sản xuất lớn ở thôn Xà Cầu.

Nhựa sơ chế sẽ được bán cho các chủ lớn trong làng hoặc nhà máy tái chế.

"Nhà có mỗi hai vợ chồng còn theo nghề này, bốn đứa con tôi đều đi làm các nghề khác vì chúng nó không thích phải đi nhặt phế liệu như bố mẹ, tổn hại sức khỏe", chị Nguyễn Thị Thai, chủ một cửa hàng chuyên đồ phế liệu phụ tùng xe máy nói.

Mỗi ngày, phế liệu được thu gom, chở khắp nơi về xã Quảng Phú Cầu bằng xe cải tiến.

Đức Hùng, người được thuê vận chuyển phế liệu trong thôn, nói: "Ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng nhưng vất vả lắm. Ngoài chở, còn phải đi kiếm hàng rồi mang đến cho chủ".

Nơi tập kết phế liệu đã được phân loại để chờ bán cho nhà máy tái chế.

Nghề thu gom phế liệu tạo việc làm cho nhiều người, nhưng cũng gây hệ lụy là ô nhiễm, rác vứt bừa bãi. "Chính quyền xã đã họp, nhắc nhở người dân và cử công an kiểm tra, xử phạt. Hiện rác thải tồn đọng đã có công ty đứng ra nhận thu dọn nên số lượng rác ở trên địa bàn cũng đỡ đi nhiều", ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu, cho biết.

Một góc làng nghề thu gom, phân loại phế liệu Xà Cầu nhìn từ trên cao.

Giang Huy