Tại Việt Nam, dịch vụ thám tử ngày càng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi tầng lớp người dân. Sự hình thành và phát triển của ngành nghề đặc biệt này phải kể đến sự đóng góp của rất nhiều thám tử nhiệt huyết, miệt mài theo đuổi nghề, từ đó tạo ra hiệu ứng tốt trong dư luận, được báo chí ca ngợi là một nghề cần thiết cho xã hội ngày nay.
Tôi đến với nghề thám tử bằng niềm đam mê và định hướng của gia đình ngay từ nhỏ. Qua năm tháng, tôi được học, được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng điều tra tại Mỹ. Tôi về Việt Nam với huy hiệu điều tra trên tay và chính thức bước nghiệp thám tử tại quê nhà cùng nhiều hoài bão lớn lao.
Gần 10 năm trong nghề, tôi trải qua vô vàn những vụ việc, niềm đam mê, thích thú trong việc điều tra, được giúp khách hàng làm sáng tỏ mọi hoài nghi làm tôi quên đi tất cả mọi mệt mỏi.
Tôi hạnh phúc khi tìm lại được con cho một bà mẹ già sau nhiều năm thất lạc, vui vẻ khi bắt được kẻ lừa đảo một doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng và giúp cho những đôi vợ chồng quay về bên nhau trước nguy cơ tan vỡ…
Nhiều đêm, anh em thám tử chúng tôi phải thức trắng để lần ra được một đối tượng nào đó đang lẩn trốn. Để tiếp cận những mục tiêu đã định sẵn, đôi khi chúng tôi phải chấp nhận đói, khát và cả những khó khăn, thử thách. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, chúng tôi hồ hởi và phấn chấn như đang làm được việc tốt giúp ích cho xã hội.
Điều băn khoăn trong tôi đó là mặt trái của nghề. Ngày càng có nhiều công ty thám tử ra đời trong khi chưa trải qua đào tạo. Thật khó để họ có thể hiểu hết các nguyên tắc trong qui ước đạo đức điều tra là gì? Vậy làm sao họ có thể giữ được đạo đức trong quá trình làm việc?
Khách hàng thường quá vội vã khi chọn dịch vụ cho mình nên đã vô tình tạo điều kiện cho những công ty không đủ năng lực tìm thấy môi trường béo bở để trục lợi. Đó chính là những con sâu làm rầu nồi canh, khiến nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với nghề thám tử.
Nhiều bạn trẻ có cá tính năng động, muốn thử thách với nghề nhưng ít ai có thể trụ vững được lâu dài vì môi trường làm việc áp lực, căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm cao. Tôi đã từng đào tạo rất nhiều anh em thám tử, đa phần họ đến với nghề vì tính tò mò hoặc vì lý do kinh tế.
Nhưng sau quá trình làm việc, họ gặt hái được rất nhiều điều bổ ích về đạo đức, nhân cách làm người, tư duy suy luận và sống có nguyên tắc hơn. Môi trường đã rèn luyện họ sống trong khuôn khổ, có trách nhiệm và lương tâm, dễ dàng trưởng thành nhanh hơn trong cuộc sống.
Tôi mong rằng nghề thám tử sẽ ngày một phát triển hơn, sẽ càng có nhiều người tâm huyết và giữ được lập trường, quy tắc đạo đức khi hành nghề.
>> Xem thêm: Người mẹ tuyệt vọng tìm con lạc trên bãi biển
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.