Mỗi ngày từ 16h, khi tiết trời còn nóng bức, anh Văn Viết Thao (45 tuổi, trú xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) rời nhà ra ruộng thả trúm (ống nhựa) bắt lươn đồng. Đồ nghề của anh chỉ một chiếc bì tải buộc dây đeo bên hông, bên trong đựng hàng trăm chiếc trúm.
"Ban ngày lươn nằm trong hang, khuất dưới lớp bùn, đêm đến thì ngoi lên đi tìm thức ăn, do vậy tôi phải thả trúm vào cuối giờ chiều", anh Thao nói.
Cánh đồng anh Thao thả lươn cách nhà khoảng 3 km. Vùng này người dân trồng lúa, xen lẫn giữa ruộng là những con rạch nhỏ, nhiều đất bùn, cỏ rậm rạp là nơi thường có nhiều lươn.
Anh Thao theo nghề thả trúm bắt lươn bốn năm nay. Trước đây anh làm thợ xây, tiền công hơn 300.000 đồng mỗi ngày song thu nhập không ổn định vì bị nợ lương tháng này qua tháng khác. Người đàn ông 45 tuổi bỏ nghề thợ xây, sắm dụng cụ đi bắt lươn để nuôi hai con ăn học.
"Thỉnh thoảng ra đồng, thấy một số người thả trúm bắt được nhiều lươn, tôi học lỏm rồi về làm theo. Ban đầu chưa quen, thu nhập hơi bấp bênh, nhưng được cái tiền trao cháo múc, cứ có lươn là có tiền", anh Thao nói.
Ông trúm để bẫy lươn có thể làm bằng ống nhựa hoặc ống tre. Mỗi chiếc trúm dài khoảng 70-80 cm, giá khoảng 4.500 đồng. Anh Thao thường dùng ống nhựa, hơ lửa bịt đầu đuôi, phía miệng ống dùng nắp tre đậy lại. Ống có đặc điểm là khi lươn vào ăn mồi thì dễ chui vào nhưng không quay ra được.
Để dụ được lươn chui vào trúm, quan trọng nhất là mồi nhử. Anh Thao cho hay, lươn rất ham ăn chất tanh. Hàng ngày, anh đi đào giun đất và ốc bươu, sau đó băm nhỏ, trộn nhuyễn với bùn. Mồi được cho vào trong trúm, đậy nắp lại. Ban đêm, khi lươn đi kiếm ăn, ngửi được mùi tanh sẽ chui vào trúm để ăn.
Xong công đoạn thả trúm buổi chiều, anh Thao về nhà nghỉ ngơi, đến rạng sáng hôm sau thì thức dậy ra đồng thu gom trúm. 4 năm nay, từng lối mòn của những khoảnh ruộng ở huyện Thạch Hà anh thuộc nằm lòng. Lúc trời chưa sáng hẳn, đầu soi đèn pin, hai tay anh thoăn thoắt lấy từng ống trúm bỏ vào bì tải đeo bên hông.
"Người đi săn lươn chỉ liếc qua một cái là biết chỗ nào nên thả trúm hay không. Đôi khi xui xẻo, trúm của tôi bẫy trúng rắn độc, lúc đổ ra cả nhà hốt hoảng. Vì vậy phải hết sức cẩn thận", anh Thao nói và cho hay một khoảnh ruộng có thể đặt trúm hai lần, sau đó phải chuyển đi vùng khác. Trước đây ảnh thả 400 ống trúm mỗi ngày, hiện chỉ thả 200 ống.
Lấy trúm về, vợ anh Thao là chị Hồ Thị Hiền đổ lươn vào xô nhựa và đem bán cho các điểm thu mua trên địa bàn. "Lươn được bán với giá 120.000/kg. Lúc chính vụ, chồng tôi bắt được 6-7 kg mỗi ngày, bán được 750.000 đồng; hiện chỉ khoảng 3-5 kg, thu nhập khoảng 400.000 đồng", chị Hiền nói.
Thu gom lươn nhiều năm, bà Nguyễn Thị Tam ở xã Thạch Đài thông tin, lươn đồng có giá trị kinh tế. Do vậy để mua lươn, thương lái giữ liên lạc với những người theo nghề thả trúm, cứ khi nào hàng về là đến trả tiền mang đi nhập. "Nhiều khi mua không kịp đã có thường lái khác mua mất", bà Tam nói.