Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 3/9/2022, 06:30 (GMT+7)

Nghề sửa đồng hồ tiền tỷ

Hà NộiVới ba người thợ, mỗi ngày cửa hàng anh Hưng sửa chữa bảo dưỡng tối đa 5 chiếc đồng hồ, với giá dao động 2-20 triệu, tùy thương hiệu.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, 40 tuổi, học nghề sửa chữa đồng hồ từ năm 16 tuổi. Đây là nghề gia truyền từ đời ông nội đến bố anh. Cả hai đều là thợ sửa đồng hồ có tiếng ở tỉnh Hải Dương.

Sau khi tốt nghiệp ngành viễn thông đầu những năm 2000, anh Hưng trải qua nhiều nghề khác nhau, từ kỹ thuật viên, nhân viên marketing, chăm sóc khách hàng... rồi quyết định quay lại với những chiếc đồng hồ từ năm 2006.

Cửa hàng nằm trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) của anh Hưng chuyên nhận sửa chữa, bảo dưỡng những chiếc đồng hồ đắt tiền. "Khoảng 80% số đồng hồ cửa hàng nhận sửa có giá từ 10.000 USD trở lên", ông chủ cho biết.

Chiếc đồng hồ đắt giá nhất anh từng nhận bảo dưỡng là Jaeger-LeCoultre của Thụy Sĩ với bộ vỏ hoàn toàn đúc từ vàng 18k và đính kim cương. Giá trị của nó khoảng 1,1 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng).

"Lần đầu cầm chiếc đồng hồ hàng chục tỷ, tôi lâng lâng như gặp được cô gái đẹp mình ao ước bấy lâu nhưng tim đập, chân run", Hưng kể lại ấn tượng 6 năm trước.

Trước khi tiến hành bảo dưỡng hay sửa chữa, người thợ phải đeo găng các đầu ngón tay để tránh làm trầy xước cũng như dính mồ hôi lên đồng hồ.

Thời gian cần để bảo dưỡng xong một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ khoảng 3-4 ngày, sửa chữa kéo dài hơn tùy vào độ hỏng hóc cũng như phức tạp của chi tiết máy. Có những chiếc phải đợi cả tháng vì không có linh kiện thay thế, phải nhập từ nước ngoài về.

Quy trình bảo dưỡng thường trải qua 10 bước gồm: Tiếp nhận-Thẩm định-Tư vấn cho khách xem đồng hồ có cần lau dầu bảo dưỡng hay không. Tiếp đến là tháo rời các bộ phận bên ngoài như dây, vỏ, nắp đáy của đồng hồ cùng các chi tiết máy rồi vệ sinh. Bước tiếp theo là lắp ráp và chấm dầu. Sau khi ráp máy, đồng hồ được kiểm tra và khử từ để loại trừ từ trường, giúp chạy ổn định hơn. Bước thứ 8 là căn chỉnh nhanh chậm rồi kiểm tra độ chống nước. Cuối cùng là đồng hồ được kiểm tra độ tích và trữ cót trong 40 giờ và được thẩm mỹ trước khi trả khách hàng.

Những dụng cụ sửa chữa đồng hồ đa phần được anh Hưng nhập từ Thụy Sĩ, Nhật và Đức. Một bộ gồm 9 thành phần cơ bản như máy đo thông số chi tiết của đồng hồ, máy thử nước, bộ Staking tool Bergeon dùng điều chỉnh những chi tiết bị sai lệch nhỏ trên đồng hồ, Bộ tuốc-nơ-vít Bergeon, bộ cóng đựng linh kiện, dụng cụ lắp linh kiện.... Để có một bộ đồ nghề đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, chi phí có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

Vì xác định hướng đi chuyên nghiệp trong ngành dịch vụ đồng hồ đeo tay nên anh Hưng đầu tư đầy đủ dụng cụ sửa chữa ngay từ đầu.

Chiếc đồng hồ đang được bảo dưỡng có giá 12.000 USD.

Anh Hưng cho biết, chiếc đồng hồ này có khoảng 250-300 linh kiện gồm ốc vít, cọc số, kim, dây tóc, bánh lắc, chân kính, con ốc, bánh răng... Riêng những con ốc vít siêu nhỏ, bé như hạt đường cũng có tới 50 chiếc với kích cỡ khác nhau. Người thợ phải có trí nhớ tốt, tập trung tuyệt đối để xác định đúng vị trí lắp ráp lại sau khi tháo dỡ.

Vì có những chi tiết siêu nhỏ, nên khi sửa chữa người thợ phải dùng đến kính lúp. Từng thao tác, đôi mắt tập trung dõi theo chuyển động của con lắc, cót, kim... khiến ý niệm về thời gian dường như bị lãng quên.

Rủi ro trong nghề cũng không hề ít. Theo anh Hưng, có những khi thợ sơ suất làm hỏng, đánh rơi hoặc thất lạc linh kiện không thể mua trong nước phải đặt hàng từ nước ngoài, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc.

Bởi vậy, đối với những chiếc đồng hồ cao cấp, người thợ phải tập trung cao độ, không cho phép sai sót dù là nhỏ nhất. "Nếu tai nạn xảy ra phải đền bù rất nhiều tiền, cũng như làm mất uy tín của người thợ", anh Hưng nói.

Trong những chiếc đồng hồ đắt tiền từng bảo dưỡng và sửa chữa, người đàn ông này ấn tượng nhất với chiếc Zenith El Primero giá 13.000 USD bị vỡ hoàn toàn "bộ thoát" (Escapement)- một trong những bộ phận quan trọng nhất của đồng hồ cơ, đóng vai trò như một bộ não. Răng cưa đồng hồ cũng bị vỡ vụn.

Vì không có linh kiện thay thế, anh Hưng phải dùng thép trắng và ruby đỏ thay thế cho vật liệu gốm bị vỡ, với đường kính chỉ vài mm. Tỉ mỉ sửa chữa, phục chế, tính toán làm sao để đạt tần số dao động 36.000 vph- những dao động này được dùng để điều tiết sao cho đúng đủ năng lượng truyền đến các bộ phận khi bộ máy cơ hoạt động hoặc đếm thời gian đối với máy pin để từ đó đem đến độ chính xác. Sau nửa tháng chiếc đồng hồ sống lại.

"Nghe tiếng tích tắc vang lên, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, trong lòng dâng lên cảm giác vui sướng khó tả", anh hồi tưởng.

Đồng hồ sau khi được sửa chữa, lau rửa sạch sẽ được đưa vào máy thử nước Elma bằng phương pháp điều áp chân không. Nguyên lý hoạt động là rút không khí ở trong bình kín ra tạo sự chênh lệch áp suất bên trong và bên ngoài để kiểm tra đồng hồ bị hở nước hay không.

Giá sửa chữa và bảo dưỡng đồng hồ được niêm yết ở cửa hàng anh Hưng dao động 2-20 triệu, tùy vào thương hiệu cũng như độ phức tạp của sản phẩm.

Anh Hưng bên chiếc đồng hồ đã bảo dưỡng xong, chuẩn bị trả khách.

Theo người thợ này, để học sửa chữa đồng hồ cơ bản cần 1,5-2 năm, còn đồng hồ cao cấp thời gian dài gấp 2- 3 lần tùy vào khả năng của người thợ. Như việc tháo, mở đồng hồ cũng phải mất hàng tháng thực hành mới có thể thực hiện cơ bản. Bởi vậy, để trở thành một thợ giỏi phải hội tụ đủ các yếu tố như sự kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, thêm vào đó là tư duy, sáng tạo và ham học hỏi.

Nghề sửa chữa đồng hồ tiền tỷ
 
 

Thúy Quỳnh- Hải Hiền