Anh Lượng, 40 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng cùng hai nhân viên tỉ mẩn tháo dỡ hàng trăm linh kiện để vệ sinh cho những chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn một tỷ đồng. Theo chủ cửa hàng, một tháng trước Tết lượng khách gửi đồng hồ đến vệ sinh, bảo dưỡng tăng gấp đôi. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, mỗi ngày cửa hàng giới hạn nhận 3-5 chiếc, đảm bảo trước 25 Tết phải trả hàng cho khách bởi thời gian vệ sinh lâu, nhiều sản phẩm bị trầy xước nặng, phải lên phương án sửa chữa, khắc phục.
Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm nơi có nhiều shop đồng hồ, khiến anh Lượng từ bé đã có niềm đam mê với những cỗ máy thời gian. "Nhưng thời ấy tôi chỉ dám ngắm, chứ không đủ tiền mua", anh nói.
Đến khi đi làm và đủ điều kiện kinh tế, chàng trai Hà Nội bắt đầu sưu tầm đồng hồ đeo tay của các thương hiệu nổi tiếng. Với anh, đồng hồ không chỉ là vật xem giờ, mà còn thể hiện đẳng cấp, cá tính của người đeo. "Chúng giống như việc chị em phụ nữ thích trang sức, túi xách hàng hiệu, thì nam giới lại đeo đồng hồ", anh chủ cửa hàng nói.
Sở hữu những món đồ đắt tiền, anh Lượng luôn giữ thật cẩn thận, tránh bị dính nước hoặc va đập bởi những năm 2008-2009 rất ít nơi ở Hà Nội nhận vệ sinh, sửa chữa đồng hồ, đặc biệt là hàng nhập ngoại.
Mong những chiếc đồng hồ sở hữu bền, đẹp, chàng trai Hà Nội dành thời gian tìm hiểu cách vệ sinh từ video hướng dẫn ở nước ngoài, đọc thêm tài liệu từ hãng sản xuất để tìm ra quy trình tháo lắp, bảo dưỡng chuẩn. Cuối cùng, anh đặt mua những dụng cụ sửa chữa từ nước ngoài, giá từ vài trăm đến cả chục triệu đồng, và bắt đầu tự chăm sóc cho bộ sưu tập đồng hồ của mình.
Thời gian đầu mới làm anh nói khó vì mỗi chiếc có hàng trăm, hàng nghìn chi tiết khác nhau, buộc người làm phải nhớ từng vị trí, cách sắp xếp để tránh nhầm. Sau nhiều lần thực hiện, anh có thể tự vệ sinh đồng hồ của bản thân và bạn bè thuần thục.
Thấy lượng người chơi và sưu tầm đồng hồ ngày càng lớn, nhưng chưa có đơn vị làm chuyên nghiệp, năm 2017 anh Lượng quyết định mở một cửa hàng chuyên vệ sinh, bảo dưỡng ở quận Hai Bà Trưng.
Là dịch vụ mới, thời gian đầu anh chỉ phục vụ khách quen. Khi tạo được lòng tin, lượng khách tìm đến ngày một nhiều. Sản phẩm gửi đến đều thuộc các thương hiệu nổi tiếng của Thụy Sĩ, Nhật Bản, Anh như Rolex, Hublot, Audemars Piguet, Patek Philippe... giá bán từ chục triệu đến vài tỷ đồng.
Chủ cửa hàng cho biết, quy trình bảo dưỡng trải qua 10 bước, gồm: Tiếp nhận-Thẩm định-Tư vấn cho khách các dịch vụ vệ sinh, bảo dưỡng, thẩm mỹ cho đồng hồ. Tiếp đến là tháo rời các bộ phận bên ngoài như dây, vỏ, nắp đáy của đồng hồ cùng các chi tiết máy rồi vệ sinh. Riêng sản phẩm mặt bên ngoài có vết xước sâu phải đánh phớt cứng, làm nhẵn, đánh bóng và sục rửa. Tiếp đến là sấy khô, lắp ráp và lau dầu. Sau khi ráp máy, đồng hồ được kiểm tra và khử từ để loại trừ từ trường, giúp chạy ổn định hơn. Bước thứ 8 là căn chỉnh nhanh chậm rồi kiểm tra độ chống nước. Cuối cùng là đồng hồ được kiểm tra độ tích, trữ cót trong 40 giờ và được thẩm mỹ trước khi trả khách hàng.
Nhưng khó và mất nhiều thời gian nhất là những sản phẩm có vết xước sâu trên bề mặt, buộc nhân viên chế tác phải lên phương án "bù đắp chỗ hổng" bằng các chất liệu tương đương. "Với trường hợp này chúng tôi sẽ lên phương án khắc phục, nhưng đảm bảo sau khi spa, thẩm mỹ, đồng hồ giữ nguyên dáng vẻ như mới. Đảm bảo đẹp, khó tìm lại lỗi", anh Lượng nói.
Sau hơn một năm mở dịch vụ, cửa hàng của anh Lượng có lượng khách ổn định, nhiều người sử dụng định kỳ.
Ngoài vệ sinh, bảo dưỡng, đầu năm 2022 anh Lượng và các nhân viên trong cửa hàng còn mở thêm dịch vụ "bespoke đồng hồ" (chế tác lại), nhằm đem đến các sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao. "Ý tưởng này xuất phát từ việc nhiều khách hàng than vãn không thích giao diện hiện tại, nhưng tiếc bộ máy hoạt động tốt nên không muốn bỏ. Đó là lúc tôi nảy ý định thay áo mới cho đồng hồ", chủ cửa hàng giải thích.
Sẵn kinh nghiệm bảo dưỡng, lại hiểu rõ quy trình chế tác, người đàn ông 40 tuổi đã nghiên cứu và cung cấp dịch vụ làm mới đồng hồ như vẽ mặt, thay vỏ sapphire trong suốt, gắn thêm vàng, nạm mặt kim cương, thay dây và khắc tên trên da... Toàn bộ phương án thiết kế, thay sửa nhân viên sẽ gửi thông tin chi tiết đến khách duyệt, sau mới triển khai. Các công đoạn bespoke cơ bản giống với spa đồng hồ. Thời gian chế tác dao động từ vài tuần đến hàng tháng, do nhiều nguyên liệu cần nhập khẩu từ nước ngoài.
"Nhưng khó nhất là bước lắp ráp để các bộ phận, chi tiết máy trong đồng hồ ăn khớp với nhau sau khi gắn thêm vàng, kim cương hoặc thay mặt, kim. Một sản phẩm hoàn thiện là lắp phải khít, các thông số kỹ thuật về máy móc, độ kháng nước, khử từ đạt chuẩn", anh Trần Văn Long, 30 tuổi, nhân viên cửa hàng, nói.
Hiện mỗi tháng cửa hàng của anh Lượng nhận hơn 100 chiếc đồng hồ để vệ sinh, sửa chữa và thiết kế lại mẫu mã. Tùy theo yêu cầu của món đồ, dịch vụ cần làm, giá vệ sinh, sửa chữa dao động từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng. Dịp Tết năm nay doanh thu của cửa hàng đạt khoảng 100 triệu đồng, trong khi con số này những năm trước gấp 2-3 lần, nguyên nhân chủ cửa hàng chia sẻ là "do kinh tế đi xuống".
Là khách quen tại cửa hàng, anh Thành Trung, 41 tuổi, quận Đống Đa thường mang chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ đến bảo dưỡng định kỳ. Theo lời vị khách, mức giá vệ sinh dao động khoảng vài trăm nghìn, trong trường hợp cần sửa lỗi xây xước có thể lên đến vài triệu. "Nhưng tôi thấy đáng vì mỗi lần spa về đồng hồ lại trông như mới, độ bền nâng cao do được các kỹ thuật viên kiểm tra chi tiết máy, độ kháng nước tỉ mỉ", anh Trung nói.
Song hành cùng công việc giới thiệu dịch vụ spa, bảo dưỡng đồng hồ hàng hiệu đến nhiều người, anh Hữu Lượng cho biết sẽ tiếp tục trau dồi kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm bespoke đẹp, mang tính cá nhân hóa cao. Anh chia sẻ, khi có một chiếc đồng hồ cũ bị hỏng hay xước, khách hàng đừng vội mua mà hãy bespoke thành sản phẩm mới, theo đúng sở thích.
"Thậm chí, tôi đang ấp ủ hy vọng cùng những người bạn có cùng sở thích tạo một thương hiệu đồng hồ của riêng người Việt", người đàn ông 40 tuổi nói.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn