Tối 1/3, suất diễn đầu tiên của vở cải lương kinh điển "Bên cầu dệt lụa" được thực hiện ở Nhà hát Bến Thành, TP HCM. Đây là tác phẩm mở màn cho chương trình kỷ niệm 64 năm đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga vang bóng một thời. Trong ảnh: Nghệ sĩ Vũ Linh (trái) vào vai Trần Minh khố chuối và nghệ sĩ Út Bạch Lan (phải) vào vai Trần mẫu. Vũ Linh đã ở độ tuổi U60, còn danh ca Út Bạch Lan ở độ U80, nhưng chất giọng của cả hai vẫn giữ được phong độ. Bối cảnh sân khấu được thực hiện không quá cầu kỳ, tạo được nét sống động cho không gian trong vở diễn. Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, vở tái hiện không khí cải lương xưa với lời ca, tiếng hát và âm nhạc gần như được giữ nguyên gốc từ tác phẩm cũ. Từ trái qua: nghệ sĩ Hà Linh và Hoài Linh vào vai đồng môn của Trần Minh khố chuối. Nét diễn hài của hai nghệ sĩ mang đến tiếng cười rộn rã cho vở. Nghệ sĩ Ưu tú Trọng Phúc (trái) vào vai Nhuận Điền. Vũ Linh (phải) chỉ thể hiện Trần Minh ở vài phân cảnh đầu tiên. Ở những cảnh sau, vai này được nghệ sĩ Thanh Sang thể hiện. Con gái của danh hài Bảo Quốc, nghệ sĩ Hồng Loan, vào vai tiểu thư Quỳnh Nga ở cảnh diễn đầu tiên. Về sau, nghệ sĩ gạo cội Phượng Liên đảm trách nhân vật này. Hữu Châu vào vai huyện quan, cha tiểu thư Quỳnh Nga. Đây là một trong những dịp hiếm hoi sân khấu truyền thống ở TP HCM dựng trọn vẹn một vở tuồng cải lương đã đi vào lòng bao thế hệ khán giả. Việc thay đổi các kíp diễn xuất của nghệ sĩ được xem là cách để những tên tuổi từng một thời vang bóng được cùng khán giả sống lại không khí cải lương xưa, cũng như tri ân các nghệ sĩ lão thành quá cố. Ở tuổi 71, nghệ sĩ Thanh Sang đã vượt qua giới hạn sức khỏe và tuổi tác của bản thân để hoàn thành phần sau vở diễn. Vai Trần Minh với nét diễn, hát chân chất, mộc mạc của ông một thời làm xúc động bao trái tim người xem. Nghệ sĩ Hùng Minh, một tên tuổi của làng cải lương thập niên 1960, diễn vai vua. Chất giọng và phong cách diễn xuất của ông đáng để thế hệ sau học tập. Nghệ sĩ Phượng Liên đóng vai tiểu thư Quỳnh Nga. Ở tuổi 67, nữ nghệ sĩ vẫn giữ được làn hơi, giọng ca ấm áp, truyền cảm. Bảo Quốc xuất hiện với vai quan huyện ở cuối vở. Ông luôn luôn được khán giả dành cho tràng pháo tay vang dội với nét duyên hài riêng có. Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy (phải) luôn gây bất ngờ với khán giả. Chị vào vai công chúa Bích Vân. Thời gian dường như không để lại dấu ấn rõ nét nào trong chất giọng cao, trong, vang và nhiều sắc thái cảm xúc của nữ nghệ sĩ. Vở "Bên cầu dệt lụa" còn diễn suất thứ hai vào ngày 9/3. Tối 2/3, các nghệ sĩ tiếp tục đến với khán giả qua vở "Tiếng trống Mê Linh", sau đó, vở này quay lại với người xem với suất cuối cùng vào tối 8/3, cũng ở Nhà hát Bến Thành, TP HCM. * Ảnh: Nhà thơ Kiên Giang chống nạng đi xem cải lương Thất SơnẢnh: Cá ConNghệ sĩ gạo cội lăn xả trên sàn tập 'Tiếng trống Mê Linh' 4 thế hệ nghệ sĩ tái dựng cải lương kinh điển