Sáng 6/3, con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận, vang câu hát từ chiếc loa đặt ở tang lễ nghệ sĩ Vũ Linh: "Đêm dài nghe tiếng vọng cổ buồn/ Nức nở vầng trăng khuya cung đàn buông tiếng khóc/ Tiếng gõ nhịp song lang ai oán khúc tơ lòng".
Tiếng hát da diết của cố nghệ sĩ trong bản Vọng cổ buồn (sáng tác: Minh Vy) khiến không ít người dự lễ viếng cúi đầu xúc động, nhớ một thời lẫy lừng của "ông hoàng tuồng cổ".
* Diễn viên Thoại Mỹ xúc động nói về ngày cuối đời của nghệ sĩ Vũ Linh
Theo nhà báo Song Minh - người thân quen của gia đình, 10 ngày trước khi mất, ông nửa tỉnh nửa mê ở bệnh viện. Đến sáng 5/3, ông nói muốn được về nhà, qua đời trên chiếc giường quen thuộc của ông. Lúc ông hấp hối, nghệ sĩ Tài Linh - bạn diễn cùng ông tạo thành "cặp bài trùng" lẫy lừng sân khấu một thời - từ Mỹ gọi điện về khóc, ông cũng chảy nước mắt. Sau đó, Vũ Linh qua đời trong vòng tay gia đình, đồng nghiệp.
Bên Vũ Linh những ngày cuối đời, nghệ sĩ Thoại Mỹ rơi nước mắt mỗi khi nhắc lại kỷ niệm bên "anh Năm" - cách gọi thân thiết chị dành cho Vũ Linh. Suốt thời gian chống chọi ung thư thực quản, bác sĩ từng đề nghị phẫu thuật nhưng nghệ sĩ từ chối vì sợ ảnh hưởng giọng hát. "Anh Năm là vậy, luôn tâm niệm sống chết với nghề. Với anh, khát khao được hát trước khán giả là hạnh phúc lớn nhất", Thoại Mỹ nói.
Nửa tháng trước, khi bệnh trở nặng, ông nhập viện vì đau và khó thở. Ông phát hiện mắc ung thư vài năm qua nhưng hạn chế tiết lộ bệnh tình vì không muốn người hâm mộ lo lắng.
Những năm trị bệnh, Vũ Linh luôn cười nói lạc quan, giữ niềm tin một ngày tái xuất sân khấu. Thỉnh thoảng, được mời đi hát chầu ở đình hoặc tham gia vở diễn cùng đồng nghiệp, ông nén đau góp mặt. Hồi tháng 3/2022, Vũ Linh diễn ở tuồng Mạnh Lệ Quân cùng Thoại Mỹ và đoàn Huỳnh Long. Khi ấy, thấy cổ họng nghệ sĩ sưng to, sợ ông không hát được, Thoại Mỹ lo lắng hỏi thăm thì được ông động viên ngược.
Lúc ông bước ra sân khấu, chị khóc vì thấy nghệ sĩ hát như quên hết đau đớn, giọng vang, rõ, dốc lòng phục vụ khán giả. "Đó là một trong những lần cuối anh đứng trên sân khấu", Thoại Mỹ cho biết. Những ngày cuối, Thoại Mỹ và nghệ sĩ Bình Tinh, Võ Minh Lâm kề cận bên giường bệnh, kể chuyện nghề để ông quên đi nỗi đau.
Nghệ sĩ Vũ Luân, con nuôi của Vũ Linh, cho biết ông ấp ủ một đêm diễn cuối sự nghiệp. Lần gần nhất, khi Vũ Luân vào bệnh viện thăm, ông trao đổi về từng vai diễn mong được thể hiện nếu còn cơ hội tái xuất sân khấu. "Trong những cuộc trò chuyện cuối, ông vẫn không tin mình sẽ qua đời. Giờ ông ra đi nhẹ nhàng để về với tổ nghiệp, chúng tôi an ủi phần nào vì ông không còn đau đớn thể xác", Vũ Luân nói.
Nhiều khán giả ở TP HCM và các tỉnh thành đến tiễn biệt Vũ Linh. Bà Năm Thúy Kiều (62 tuổi) cho biết từ Châu Đốc, An Giang, đón xe đến nơi lúc 5h sáng. Khi được con trai bà báo tin nghệ sĩ mất hôm qua, khán giả này lặng người, nhớ lại từng video cải lương bà xem đến thuộc làu. Bà từng có duyên nhiều lần xem ông hát khi nghệ sĩ về Châu Đốc biểu diễn. "Với tôi, ông là nghệ sĩ hàng đầu của cải lương hơn 30 năm qua", bà nói.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Phước (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), Vũ Linh là nghệ sĩ hiếm hoi diễn xuất sắc cả tuồng cổ lẫn vở xã hội. Với cải lương tuồng cổ, ông đóng đinh dạng vai kép văn với Lương Sơn Bá, kép võ thì không thể không nhắc đến vai Triệu Tử Long, hay kép lão là nhân vật Nguyễn Địa Lô.
Với tuồng xã hội, dấu ấn lớn nhất của ông là trong vở Cô đào hát. Trong tuồng này, ông đóng với Phương Hồng Thủy. Ở màn cuối, tâm lý cặp nghệ sĩ chuyển biến liên tục, Vũ Linh hóa điên, được Phương Hồng Thủy an ủi, rồi bỗng Vũ Linh tỉnh lại và Phương Hồng Thủy hóa điên. "Cả hai đạt đến đỉnh cao trong tài năng diễn xuất của họ nói riêng và ở mức thượng thừa của cải lương nói chung. Hai vai này đến nay vẫn chưa thấy có thế hệ kế thừa tiếp nối", tiến sĩ Hồng Phước nói.
Nghệ sĩ Vũ Linh thuộc Thế hệ vàng của sân khấu cải lương Việt Nam. Ông tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn, xuất thân trong gia đình nghèo khó, việc học hành dang dở. Năm 13 tuổi, ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Năm 1972, ông tham gia đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ, lưu diễn các tỉnh. Một thời gian sau, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, được nghệ sĩ Diệu Hiền, Trương Ánh Loan nhận làm đệ tử. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm về nghệ thuật ca diễn tuồng cổ.
Năm 1981, ông trở về thành phố, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Từ đây, Vũ Linh thực sự bước lên đài vinh quang sau hơn 15 năm bôn ba đoàn tỉnh. Thập niên 1990, Vũ Linh kết hợp với Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ "thanh mai - trúc mã", được đông đảo khán giả ngưỡng mộ vì lời ca lẫn diễn xuất hòa quyện. Khi tham gia Mưa bụi - chương trình ca nhạc video ăn khách một thời, đôi "Song Linh" mở rộng thêm thị phần biểu diễn, thu hút nhiều khán giả trẻ đến với cải lương. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.
Mai Nhật