Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng:
Lúc đầu, khi nghe người ta nói tôi "chảnh", tôi cũng khó chịu lắm vì nó không diễn tả đúng sự thật về con người mình. Nhưng rồi tôi nhanh chóng quên đi... Tôi còn phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải khác.
Tôi nghe mọi người nói tôi "chảnh" vài lần và mỗi lần lại ở những hoàn cảnh khác nhau, lúc nói trực tiếp, có lúc nhắn tin qua điện thoại... Rất nhiều người sau khi đã trở thành fan hoặc tiếp xúc với tôi đều thú nhận rằng: "Trước kia tưởng Đàm Vĩnh Hưng chảnh lắm, đâu có ngờ dễ thương và dễ gần như thế...".
![]() |
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (damvinhhungws). |
Thực ra, tôi chẳng có lý do gì mà "chảnh" cả. Nhưng tôi nghĩ, đôi khi có những trường hợp rất cần sự có mặt của thái độ đó, vấn đề là người sử dụng nó như thế nào mà thôi... Nếu bất kỳ ai đó sử dụng phần "chảnh" của mình đúng lúc, đúng nơi, tôi cũng không phản đối gì.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng:
Người ta nói tôi "chảnh"? Tôi nghe hoài. Họ nói cả trước mặt lẫn sau lưng. Và tùy theo cách nói của người ta mà tôi hiểu họ đang khen hay chê mình. Phải công nhận trong công việc tôi rất "chảnh", nhất là khi tôi muốn công việc ấy phải xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Tôi coi đó là một điều cực kỳ cần thiết vì có lúc, tôi không muốn gặp ai thì đương nhiên tôi phải làm bộ để họ ghét mình, không muốn gặp mình nữa.
Nhưng tôi cũng biết "chảnh" tùy lúc tùy nơi thôi chứ không bao giờ làm thế với những người không có tiền.
Theo quan niệm của tôi, "chảnh" là một cảm xúc bình thường của con người như chuyện buồn vui bất chợt, ba hồi này nọ. Có thể hôm nay họ "chảnh" với người ấy, nhưng mai lại không.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn:
Đối với tôi, chữ đó không phù hợp sử dụng cho người lớn. Chưa bao giờ tôi thấy người ta dùng từ "chảnh" để nói về tôi, nhưng kiêu ngạo thì có. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên trầm trọng hóa vấn đề làm gì. Khi tôi từ chối ai, không phải tôi kênh kiệu hay lên mặt mà đơn giản tôi cảm thấy mình không biết gì về chuyện đó, hoặc không phù hợp với nội dung mà họ mời mình tham gia.
Chữ "chảnh" hơi có tính chất trào phúng, là cách mà tuổi trẻ hay nói đùa và thể hiện nó bằng sự kênh kiệu, đôi khi quá lộ liễu. Bên cạnh đó, có những cái "chảnh" cũng rất dễ thương, nên cũng cần sự thông cảm vì con người ta trăm người trăm tính.
Nhiếp ảnh Lê Thanh Hải:
Theo quan niệm của tôi, "chảnh" không phải là một hiện tượng, vì không ai vừa sinh ra đã có sẵn tính ấy. Đơn giản đó chỉ là trò bắt chước, thường xuất hiện ở những người thiếu tự tin và muốn chứng tỏ điều gì đó khác người.
Họ nghĩ "chảnh" là cá tính nhưng trên thực tế, nó còm cõi hơn cá tính nhiều. Họ không ý thức được rằng, những người thật sự khác người đều không có nhu cầu thể hiện, mà ngược lại càng giản dị càng tốt.
Nếu ai nói tôi "chảnh", tôi thấy buồn cười. Bởi bản thân tôi không có gì "chảnh" cả mà có khi những người phát ngôn ra từ ngữ đó còn không thể giải thích khái niệm ấy là cái gì.
![]() |
Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải (Người Đẹp). |
Là một nhiếp ảnh gia, thường xuyên tiếp xúc với những người nổi tiếng nên ai cũng nghĩ tôi biết rõ người nào "chảnh" nhiều, người nào "chảnh" ít. Nhưng thật đáng tiếc, tôi không thấy ai như thế với tôi cả.
Đối với bản thân tôi, nếu chỉ vì tôi lỡ hẹn đến 3 lần với người nào đó mà nói tôi "chảnh" thì không phải. Bởi vì có những việc thuộc trách nhiệm của tôi, tôi phải đích thân làm, không thể bỏ đó mà đi được, mặc dù trong lòng cảm thấy vô cùng áy náy.
Trước khi nhận một show nào đó, tôi thường hỏi chuyện tiền bạc, thế là bị quy vào tội "chảnh" thì e rằng không chính xác. Tôi sống duy nhất bằng nghệ thuật, đương nhiên phải coi đó là chuyện sinh kế chứ. Chỉ trừ khi chụp ảnh để làm từ thiện tôi mới không lấy tiền. Nhiều khách hàng cũng nhận xét tôi khó tính bởi khi họ tìm đến tôi, tôi luôn đưa ra ý tưởng tốt nhất, đẹp nhất và bàn bạc với họ trong khi họ muốn trả tiền cho tôi để tôi làm theo ý của họ. Như vậy, tôi có khác gì một gã thợ bấm máy?
Với tôi, cứ sống chân thành, làm tất cả những điều mà mình thấy đúng, và đem lại lợi ích cho những người xung quanh thì đó chính là điều có ý nghĩa.
(Theo Mỹ Thuật)