Buổi tọa đàm Đào tạo nguồn nhân lực văn học, nghệ thuật được tổ chức tại TP HCM, chiều 5/1. Tiến sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Hải Phượng - đang công tác tại Nhạc viện thành phố - chia sẻ về thực trạng đào tạo các nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống, cụ thể là cải lương, hát bội. Theo giảng viên, công tác đào tạo các nghệ sĩ dạy cải lương, hát bội chưa được nhìn nhận đúng mức.
Trên thực tế các chương trình nghệ thuật hiện đại về âm nhạc, phim ảnh... đang chiếm lĩnh đời sống tinh thần của khán giả. Game show tràn ngập trên truyền hình với sự tài trợ của các nhãn hàng đối lập với cảnh đìu hiu của những chương trình nghệ thuật truyền thống - vốn chỉ được đầu tư bởi nhà đài hoặc một số nhà tài trợ còn tâm huyết.
"Chúng ta vẫn nghe những câu phát biểu quen thuộc như 'gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc', nhưng lượng người am hiểu các bộ môn này ngày càng giảm, hiếm người trẻ chịu đầu tư theo đuổi bởi tương lai chưa được đảm bảo. Các thầy đờn ngày càng lớn tuổi, song lớp trẻ vẫn chưa được đào tạo để thay thế", Hải Phượng chia sẻ.
* Bạch Tuyết hát trong một chương trình tôn vinh 100 năm cải lương
Nghệ sĩ lấy ví dụ ở Nhạc viện TP HCM, một số nghệ sĩ không được vào biên chế vì không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chị nói: "Họ chỉ có thể được thỉnh giảng khi nào có tiết học phù hợp, dạy buổi nào thì được trả công buổi đó, không có chế độ đãi ngộ. Do đó, theo tôi, các nghệ nhân đủ năng lực nên được tạo điều kiện để đứng trên bục giảng, truyền lửa cho các thế hệ sau".
Nghệ sĩ Ưu tú cũng đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng nghệ sĩ cải lương, hát bội. Chị cho rằng nên đưa các chương trình chuyên sâu về âm nhạc truyền thống vào trường học, với các tiết học ngoại khóa liên kết giữa nhà trường và các đoàn cải lương, hát bội. Các trường đào tạo nghệ thuật nên có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ sĩ thiếu bằng cấp, đồng thời hợp tác với các đơn vị tư nhân để đào tạo các diễn viên, nhạc công theo yêu cầu. Việc đẩy mạnh các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng... thông qua YouTube, mạng xã hội cũng là cách giúp công chúng trẻ quan tâm, tìm hiểu nghệ thuật truyền thống.
Nghệ sĩ Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở văn hóa Thể thao TP HCM, thừa nhận một số hạn chế trong công tác quản lý, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống. Cơ sở vật chất trong trường học, nhà hát thể nghiệm, sân khấu biểu diễn... còn nhiều thiếu thốn. Sinh viên các trường nghệ thuật chưa có nhiều không gian sáng tạo, thực hành. Giáo trình chưa được cập nhật kịp thời, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng tốt về số lượng và chất lượng, đặc biệt là giảng viên có học vị, học hàm. Công tác tuyển sinh ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn, ngành lý luận - phê bình văn hóa nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mực...
Tuy nhiên theo Phó giám đốc, những năm qua thành phố đạt được một số thành tựu trong công tác đào tạo nhân lực về văn học nghệ thuật. Cụ thể, nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao ra đời, nhiều diễn viên của bộ môn truyền thống như hát bội, xiếc... được phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ.
Theo Thanh Thúy, các giải pháp thành phố đưa ra là: bồi dưỡng tài năng trẻ ở nghệ thuật truyền thống, đề xuất xây dựng các trường văn hóa nghệ thuật có cơ chế liên kết lẫn nhau trên địa bàn, có chính sách bồi dưỡng, đãi ngộ các cán bộ văn hóa nghệ thuật, điều chỉnh cơ chế cho các nghệ nhân trong lĩnh vực truyền thống, dân tộc, chăm lo các đời sống cho văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác... Bên cạnh đó, thành phố còn khuyến khích phát triển các quỹ đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa.
Sở Văn hóa Thể thao đang lên kế hoạch xây dựng các lớp truyền nghề về nghệ thuật truyền thống, mời chuyên gia về tập huấn, cử nhiều cán bộ đào tạo trong và ngoài nước, sau đại học... "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nên việc đào tạo, xây dựng các nguồn lực đủ tâm, đủ tài là điều hết sức cần thiết. Đây là chiến lược để văn hóa nghệ thuật ngang tầm với các lĩnh vực khác, góp phần giúp thành phố văn minh, hiện đại hơn", bà Thúy nhấn mạnh.
Tam Kỳ