Ca sĩ Khánh Linh được Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - nơi chị đang công tác - giới thiệu ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Ban đầu, chị áp lực vì chưa hình dung công việc, vai trò của một đại biểu. Qua vài tháng tìm hiểu, những buổi tiếp xúc đại biểu, chị hứng thú hơn. "Nếu trúng cử, tôi sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân, giới nghệ sĩ. Nhiều năm hoạt động nghệ thuật, tôi có nhiều ý tưởng phát triển nghệ thuật thành phố. Tôi sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và cái tâm trong sáng", Khánh Linh nói. Ngoài ra, chị quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, bảo vệ phụ nữ trẻ em. Chị xác định nếu trúng cử sẽ bớt thời gian dành cho âm nhạc.
Khánh Linh sinh năm 1983 trong gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng, mẹ là nghệ sĩ Vũ Dậu, anh trai là nhạc sĩ Ngọc Châu. Tên tuổi cô gắn liền với nhiều ca khúc như Cô Tấm ngày nay (Ngọc Châu), Điều hoang đường nhất (Đỗ Bảo), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Ban mai xanh (Ngọc Châu)...
Nhà thơ Trần Gia Thái - đại biểu huyện Ứng Hoà - cũng ứng cử vào Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. Ông quan tâm phát triển văn hoá, giáo dục, du lịch, đồng thời tạo cơ chế để văn nghệ sĩ, nhà báo được thỏa sức sáng tạo. Nhà thơ Trần Gia Thái sinh năm 1955, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Ba gương mặt ứng cử đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 là nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Lê Tứ và Hạnh Thúy. Trịnh Kim Chi cho biết ban đầu, khi được giới thiệu ứng cử, chị hồi hộp vì trách nhiệm lớn. Chị dành thời gian tìm hiểu cách thức làm việc trong các buổi tiếp xúc cử tri. Diễn viên cho biết nếu trúng cử, chị sẽ góp sức duy trì và phát huy ngành nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Chị nói: "Tôi sẽ đề xuất để sân khấu TP HCM không chỉ đơn thuần giải trí mà có những tác phẩm bám sát đời sống, phản ánh nguyện vọng của người dân, như bạo lực gia đình, học đường, tệ nạn tham nhũng, văn hóa tiếng ồn...". Nghệ sĩ cũng cho biết dù đắc cử hay không, chị vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch trên. Hiện ngoài vị trí Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM, Trịnh Kim Chi còn điều hành sân khấu mang tên chị tại quận 6, nỗ lực trong công tác thiện nguyện giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, neo đơn.
Trịnh Kim Chi đoạt giải Á hậu Việt Nam năm 1994. Chị hoạt động trong làng giải trí với vai trò diễn viên phim truyền hình, kịch nói. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2015.
Nghệ sĩ Lê Tứ cho biết nếu đắc cử, anh muốn phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là cải lương. Nghệ sĩ sinh năm 1975, đang là diễn viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Nghệ sĩ Hạnh Thúy được Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM và Hội Điện ảnh TPHCM đề cử. Chị đặt mục tiêu khi trúng cử sẽ đồng hành với những phụ nữ yếu thế trong xã hội, bảo vệ trẻ em, kêu gọi người trẻ "yêu hiểu biết, sống trách nhiệm".
Với Hạnh Thúy, vai trò diễn viên không phải lợi thế khi ứng cử, bởi nhiều cử tri còn tỏ ra nghi ngờ khi biết chị là nghệ sĩ. Chị nói: "Nhiều người nghi ngờ khi tôi từ xưa đến giờ chỉ làm nghệ thuật, liệu sẽ làm gì nếu trúng cử hội đồng. Chuyện thu xếp nghề diễn và công việc mới với tôi cũng là thử thách, nhưng tôi thích đối mặt với khó khăn".
Nghệ sĩ Hạnh Thúy sinh năm 1976, từng đoạt giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" trong phim điện ảnh Sống trong sợ hãi của đạo diễnBùi Thạc Chuyên. Chị đóng nhiều thể loại từ hài đến bi kịch, chính kịch trên cả sân khấu lẫn phim điện ảnh, truyền hình.
Ngày 23/5, hơn 69 triệu cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho 16 tỉnh tổ chức bầu cử sớm tại một số điểm.
Nhật Thu