Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long và Lan Hương là khách mời trong một tập sắp phát sóng của show Ký ức vui vẻ. Chương trình là dịp các nghệ sĩ hồi tưởng kỷ niệm những năm 1980, 1990. Giữa cuộc trò chuyện, MC Lại Văn Sâm cùng các nghệ sĩ nhắc đến NSƯT Văn Hiệp - người qua đời năm 2013 ở tuổi 71. Khi chân dung cố nghệ sĩ được chiếu trên màn hình, Tự Long lặng người nhìn lại loạt ảnh về ông.
Tự Long kể anh và các nghệ sĩ trẻ thường gọi Văn Hiệp là "bố Hiệp". Làng hài miền Bắc ngày ấy chưa đông đảo như bây giờ, các nghệ sĩ gắn bó, xem nhau như ruột thịt. Trong ký ức của Tự Long, Văn Hiệp là người chất phác. Nhiều năm liền, ông bị suy thận, tràn dịch màng phổi... Trước khi ông mất, các nghệ sĩ trong làng hài đến nhà thăm, cố gắng thuyết phục ông vào viện trị bệnh. "Ông chỉ bảo: 'Tớ vào mãi rồi, vào nữa thì khổ các con lắm. Thôi, cứ để tớ ở nhà'. Một thời gian sau, ông qua đời", Tự Long kể.
Gắn bó cùng nhau từ thuở vàng son của chương trình Gặp nhau cuối tuần, Tự Long nhận xét, Văn Hiệp hết lòng vì nghề. Hễ đơn vị nào mời diễn, dù nửa đêm hay gần sáng, ông vẫn nhận lời mà không quan tâm cát-xê. "Ai cũng yêu mến vì sự mộc mạc, chân thành của 'bác trưởng thôn' Văn Hiệp. Những tên tuổi ở thế hệ Văn Hiệp, Trịnh Thịnh, Trịnh Mai... đã sống hết mình vì nghệ thuật", anh rưng rưng.
NSND Lan Hương từng nhiều năm công tác chung với Văn Hiệp ở Nhà hát kịch Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ thuộc "thế hệ vàng" của đơn vị này. Chị từng say mê theo dõi ông diễn cùng NSND Trần Tiến trong Ngao sò ốc hến. Chị kể lúc ông sinh thời, có lần chị nhận cuộc điện thoại báo vào bệnh viện gấp. Đến nơi, chị thấy Văn Hiệp nằm trên giường bệnh. Sáng đó, ông trên đường đến đài phát thanh thì tụt huyết áp vì chưa ăn gì. Ông ngã khi đang chạy xe máy, gãy chân và bất tỉnh. "Nửa đêm, ông tỉnh giấc, vội cầm lấy điện thoại gọi cho tôi: 'Cháu ơi, sáng ra cháu lên đài thu âm đi nhé' ", Lan Hương bùi ngùi.
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông theo học nghề tại lớp diễn viên khóa 1 - Phân hiệu Kịch nói, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam - thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam, cùng khóa Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Từ 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch TW và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hóa Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.
Với thân hình nhỏ con, khuôn mặt khắc khổ, phong cách bình dân, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được giao những vai lão nông thật thà, tốt bụng. Các vai diễn của ông đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Từ series truyền hình Gặp nhau cuối tuần, Văn Hiệp trở thành gương mặt gần gũi với khán giả qua vai diễn nổi tiếng "ông trưởng thôn". Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia khoảng 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Năm 2013, 5 tháng sau khi qua đời, ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Tam Kỳ