Nghệ sĩ nói về công việc, cuộc sống dịp tổ chức chương trình nghệ thuật Nửa thế kỷ dưới ánh đèn, kỷ niệm 50 năm vào nghề.
- Cuộc sống tuổi 71 của ông thế nào?
- Tôi nghỉ hưu ở Đoàn Kịch Công an Nhân dân hơn 10 năm, hưởng lương đại tá. Nhiều người ngoài 60 tuổi có tâm lý thích nghỉ ngơi, an dưỡng, tôi thì ngược lại, ngày càng bận. Vài năm nay, tôi không đóng phim nhiều nhưng có các dự án khác, điều hành Câu lạc bộ bóng đá Ngôi sao, Sân khấu Thử nghiệm.
Sau khi ly hôn người vợ thứ hai, tôi sống cô đơn suốt bốn năm. Gần đây, tôi có người mới nhưng chưa muốn công khai. Với tôi, tình yêu ở tuổi này vẫn chân thành, dạt dào cảm xúc như trước. Các con rất văn minh, ủng hộ tôi tìm bầu bạn.
- Sinh ra trong gia đình không làm nghệ thuật, điều gì đưa ông đến với nghề diễn?
- Hồi nhỏ, tôi háo hức mỗi lần xem các đoàn chèo, đoàn kịch về quê mình ở Kinh Môn (Hải Dương) biểu diễn. Hết phổ thông, bố mẹ muốn tôi thi đại học, làm bác sĩ hoặc kỹ sư. Khi Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng tuyển diễn viên, tôi rủ bạn đi xem nhưng không dám đăng ký vì sợ bố mẹ. Cậu bạn đẩy tôi ra trước mặt ban giám khảo, nói: "Chú ơi, thằng này muốn ứng tuyển". Tôi mới 20 tuổi, khá sáng sủa, được các anh chị trong ban tuyển sinh cho cơ hội. Họ yêu cầu tôi hát một bài, đóng vài cảnh ngắn. Tôi qua sơ tuyển rồi chung khảo, theo nghề từ đó.
Gia đình tôi ban đầu phản đối kịch liệt. Gia đoạn ấy đúng thời điểm chiến tranh căng thẳng, nhà tôi có mấy anh chị em đều ở chiến trường, mình tôi còn ở quê. Vào nghề xác định sẽ xa nhà, đi biền biệt. Bố tôi chửi mắng suốt cả tháng, còn mẹ tôi trốn trong phòng khóc. Họ hàng ngày nào cũng sang, giúp bố mẹ khuyên tôi.
Cuối cùng, người lớn trong nhà nghĩ cách mai mối, ép tôi lấy vợ để không được vào biên chế. Bởi theo quy định, diễn viên phục vụ ba năm mới có thể kết hôn. Cuối cùng, tôi vẫn may mắn được cấp trên ưu ái, bỏ qua việc lập gia đình. Lãnh đạo yêu cầu tôi giải quyết dứt điểm bất đồng với người nhà, cơ quan không thể can thiệp. Tôi kiên trì nhiều ngày, dần dần thuyết phục được cha mẹ.
- Trong 50 năm theo nghề, khoảng thời gian nào là khó khăn nhất với ông?
- Năm 1974, khi con trai cả tôi - Bình Trọng - 13 tháng tuổi, tôi mang con vào đoàn để cu cậu cai sữa. Bố làm việc, còn con quẩn quanh chơi. Ba tuổi, Trọng bắt đầu lên sân khấu, đóng các vai quần chúng. Trong vở Chị Nhàn, con ngồi trong quang gánh, để các cô chú khiêng đi, diễn cảnh chạy nạn. Hồi ấy, lương tôi chỉ có 37 đồng. Một dạo, tôi bị kỷ luật, mất điểm tác phong vì để tóc dài, đi dép lê, lương giảm một nửa. Hai bố con sinh hoạt khá eo hẹp, nhưng vì thời ấy ai cũng khổ nên thấy bình thường. Lên sáu tuổi, có hôm Trọng nói với một cô: "Cháu mà cứ đi diễn thế này thì cháu đến mù chữ mất". Nghe xong, tôi cho con về ở với mẹ để đi học, vài năm sau lại đón Trọng ra Hà Nội ở cùng.
- Ông thấy mình được và mất gì từ nghề?
- Tôi nghĩ nghề nào cũng phải hy sinh mới có thành công. Với nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ có nỗi niềm còn khổ hơn tôi. Tôi được khán giả biết đến, sống được với nghề. Mất mát lớn nhất là tôi không có nhiều thời gian quây quần với người thân, làm tròn chữ tình, chữ hiếu. Tôi đau đáu nhiều năm bởi không thể bên bố trọn vẹn khi ông mất. Bố hấp hối, tôi vẫn đang đi diễn. Vì đóng vai chính, tôi không thể bỏ về, làm hỏng nhiệm vụ. Hồi ấy, quân đội Mỹ đang thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, đi lại giữa các tỉnh rất khó khăn. Lúc về đến nhà, tôi chỉ kịp cầm tay bố rồi nói "Con đã về đây". Ông nghe thấy, rơi nước mắt, nấc lên ba tiếng rồi qua đời. Tôi cũng không kịp khâm liệm, làm đám tang cho ông chu toàn. Khi đắp mộ, thắp hương cho ông, xe của cơ quan đã đợi sẵn, tôi buộc phải tiếp tục lên đường.
- Cùng làm nghề, ông chia sẻ với con trai cả - đạo diễn Bình Trọng - ra sao?
- Bình Trọng học vốn học ngành kỹ thuật. Tôi sợ con vất vả nên khuyên con thử tìm hướng khác. Những năm 1990, lương tôi khoảng 90.000 đồng. Trọng có thời lăn lộn đủ nghề, bán cơm thuê, bán bia hơi, vé số, để đỡ đần bố. Sau Trọng thi lại vào ngành quản lý văn hóa, đỗ á khoa, có học bổng, bố không phải lo nhiều. Hồi ấy, tôi đi đóng phim truyền hình rất nhiều, có nhiều việc cần "chân chạy" nên rủ Trọng vào làm trợ lý. Con bén duyên diễn xuất rồi dần lấn sang đạo diễn. Bình Trọng hiện có hãng phim riêng, sản xuất series hài Đại gia chân đất, Làng ế vợ.
Sau thời dịch, Trọng gặp nhiều khó khăn, muốn bỏ nghề. Tôi cũng khó khăn, không có tiền hỗ trợ, chỉ biết động viên con cố gắng. Tôi muốn Trọng biến series chiếu mạng Đại gia chân đất thành tác phẩm điện ảnh, có giá trị nghệ thuật, hút khán giả, tương tự Trấn Thành từng làm với Bố già. Nhiều người nghĩ Đại gia chân đất chỉ mang tính chọc cười nhẹ nhàng nhưng nếu xem kỹ, khán giả sẽ cảm nhận phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa.
- Ông nói gì với con út - Anh Phương - sau vài năm con thử sức diễn xuất, ca hát?
- Tôi từng tranh cãi nảy lửa khi con bỏ ngành thiết kế sân khấu, vào Nam tìm cơ hội. Cuối cùng, tôi quyết định để cho con tự phát triển. Gần đây, tôi vui vì Anh Phương có một số thành tựu, đoạt á quân cuộc thi hát Trời sinh một cặp. Hơn một năm trước, con bắt đầu thi sắc đẹp, chỉ được á hậu hoặc vào top 5, top 10. Tôi nói: "Đừng thi nữa, con chỉ làm nền cho người ta thôi". Nhiều lúc, đi cổ vũ, thấy các bạn được vương miện còn chẳng xinh bằng con mình, tôi cũng thoáng buồn, nhưng nghĩ đó chỉ là cuộc chơi thôi, không quan trọng. Anh Phương vài năm nay đã tự lập, không còn cần bố hỗ trợ tài chính.
- Ông có dự định gì thời gian tới?
- Trước mắt, tôi tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm vào nghề, ngày 25/9 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi diễn lại vở Dưới ánh đèn của tác giả Chu Thơm, hát một số ca khúc, trong đó có Bài ca Trường Sơn (Trần Chung). Khi mới bước chân vào nghệ thuật, tôi biểu diễn trước khán giả với vai trò ca sĩ của đoàn, đi hát khá nhiều. Sau đó, một nhạc sĩ nói chất giọng trầm của tôi không hiếm, không thể đạt đỉnh cao trong âm nhạc được, vì thế tôi dừng hát, tập trung diễn xuất. Ngoài ra, tôi và hai con Bình Trọng, Anh Phương diễn tiểu phẩm ngắn mang tên Nối nghiệp.
Trần Nhượng sinh năm 1952, từng là diễn viên Đoàn Ca Múa Kịch Hải Hưng (cũ), sau đó chuyển sang Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân. Ông từng đóng các vở kịch Sĩ quan ngụy, Bác sĩ Huỳnh, Chị Nhàn, Nữ ký giả, Người với người, Thằng Mẫn tóc nâu. Ngoài ra, ông tham gia nhiều phim điện ảnh lẫn truyền hình như Vệt sáng ngược, Ai giận, ai thương, Đêm hội Long Trì, Những ngôi sao nhỏ, Chủ tịch tỉnh, Những cô gái trong thành phố. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.
Hà Thu