Nghệ sĩ Thái Thị Liên. |
Lúc nhỏ, Thái Thị Liên học diễn tấu dương cầm với các giáo sư nhạc viện Paris Gabriel Amiero và Ana Carlote tại Sài Gòn. Sau đó, bà thành thân với nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, sinh con trên chiến khu Việt Bắc. Ông Danh hy sinh, nỗi buồn mất chồng cùng quyết tâm sống để xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy đã cho bà nghị lực học tập phi thường để tốt nghiệp khoa dương cầm tại Nhạc viện Prague (Tiệp Khắc), trở thành một trong số rất hiếm các nữ nghệ sĩ dương cầm đầu tiên của Việt Nam. Bà Liên về chiến khu và gặp ông Đặng Đình Hưng ở đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tiếng đàn dương cầm của bà qua bản Ru con đã khiến ông Hưng cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cố công làm cho chèo hiện đại lên bằng cách hát các "cách ái", "xẩm xang"... theo lối cộng minh và đệm bằng dương cầm...
Sau hòa bình, khi bà Liên trở thành giảng viên dương cầm đầu tiên của Trường âm nhạc Việt Nam thì ông Hưng đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng "tình yêu sét đánh" đã khiến họ không kịp toan tính và thay đổi. Cậu bé Đặng Thái Sơn ra đời năm Mậu Tuất 1958. Ông Hưng đã bồi đắp vào những tâm hồn thơ trẻ vốn văn hóa được nhìn theo cách của riêng ông. Nhưng đó là cái nền để lần lượt Đặng Hồng Quang (con riêng ông Hưng), Trần Thu Hà (con riêng bà Liên), sau đó là Đặng Thái Sơn của hai người, ngồi vào chiếc ghế trước đàn dương cầm và nhập thần.
Những năm tháng sơ tán ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang thật gian khổ. Nhưng chính trong hơi thở lạnh lẽo của chiến tranh, những bản nhạc của F.Chopin do bà Liên chơi trong những đêm đông đã thắp sáng, sưởi ấm và dẫn dắt cậu bé Đặng Thái Sơn đi theo ánh lửa của thiên tài này. Đặng Thái Sơn thực sự có duyên với F.Chopin khi bà Liên đi dự cuộc thi F.Chopin mang về Việt Nam rất nhiều sách và đĩa. Với Đặng Thái Sơn, bà Liên không chỉ đơn thuần là dạy con mà còn là phát hiện cho đất nước một nhân tài. Và đến khi ông Hưng ở trạng thái bệnh tật thì... Sơn vinh quang đoạt giải F.Chopin mùa thu 1980.
Đối với Đặng Hồng Quang, Trần Thu Hà, bà Liên là người thày truyền nghiệp mẫu mực. Noi theo gương mẹ, Trần Thu Hà không chỉ là một giám đốc nhạc viện năng động mà còn là một giảng viên tận tâm đầy nhiệt huyết. Khát vọng cháy bỏng của Hà là làm sao có thể đào tạo được những nghệ sĩ dương cầm có khả năng đoạt giải quốc tế mà không phải dựa vào các giáo sư nước ngoài. Hà đã thành công khi tạo nên nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Phương, đoạt giải nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)