Nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội 5 năm trước, nghệ sĩ Phú Thăng vẫn bận rộn nhiều công việc như đóng phim truyền hình, thu âm các chương trình phát thanh, đọc lời bình phim phóng sự, tài liệu. "Trong khi các bạn đồng lứa giờ đều lên chức ông, bà, tôi vẫn đang làm công việc của một người bố, ngày ngày đốc thúc con ngủ nghỉ, ăn cơm rồi đi học. Con gái út tôi là sinh viên năm hai ngành biên kịch, con trai lớn đã tốt nghiệp, làm ngành truyền thông", nghệ sĩ nói.
Ông kết hôn muộn so với bạn đồng trang lứa, tự nhận không may mắn chuyện tình cảm, "yêu cô nào là cô ấy đi lấy chồng". Trong những đêm say khi lủi thủi ở nhà một mình, Phú Thăng từng khao khát có người bầu bạn. Số phận đưa đẩy nghệ sĩ gặp gỡ rồi nên duyên với bà xã, người phụ nữ theo ông nói không quá xinh đẹp, giỏi giang nhưng yêu thương gia đình. Lấy vợ ở tuổi 37, ông làm kinh tế, còn vợ lo chăm sóc các con. Nghệ sĩ nói đó là bí quyết để nhà cửa ấm êm, bởi người vợ không phải nặng lòng chuyện tiền bạc, có thể toàn tâm toàn ý xây dựng tổ ấm.
Nghệ sĩ nói giống như việc lập gia đình, mọi chuyện trong đời ông đều lận đận, muộn màng. Có bố là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Đoàn Phú Tứ nhưng vì là con út, cách biệt tuổi tác với bố lớn, ông không được cha truyền cảm hứng làm nghề. Tốt nghiệp phổ thông, ông nhập ngũ bốn năm ở Lữ đoàn Công binh 229. Ra quân, nghệ sĩ mới bắt đầu ôn thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ra trường sau 5 năm. 28 tuổi, ông chập chững vào nghề, được nhận vào Nhà hát Kịch Hà Nội. Lúc ấy, bố ông lại qua đời, Phú Thăng không có người dìu dắt.
"Khi đó, nhiều tên tuổi của nhà hát như anh Hoàng Dũng, Tiến Đạt, Hồng Sơn sừng sững như một tượng đài. Các anh chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng kinh nghiệm làm nghề dày hơn gần chục năm. Vì thế, tôi nhiều năm chỉ có thể đóng các vai quần chúng, gần như không có thoại", nghệ sĩ nhớ lại.
Không có nhiều cơ hội trui rèn ở nhà hát, ông cũng không kiếm được việc bên ngoài bởi thời ấy, đơn vị duy nhất sản xuất phim nhựa là Hãng Phim truyện Việt Nam, một năm chỉ có vài phim. Để xoay xở kiếm sống, ông làm nhiều công việc như lồng tiếng phim, đọc lời bình ký sự. Nghệ sĩ từng tham gia lồng tiếng nhiều phim truyền hình nước ngoài nổi tiếng, trong đó có phim Oshin của Nhật
Đến giữa những năm 1990, Phú Thăng mới được giao vai phụ, vai thứ chính trong các vở như Ăn mày dĩ vãng, Điện thoại di động, Vòng cung biển, Tầm cao thành phố. Sau khi đạo diễn Khải Hưng mở ra chương trình Văn nghệ chủ nhật từ năm 1994, ông bắt đầu lấn sân đóng phim truyền hình.
Trên sân khấu, nghệ sĩ gắn với dạng nhân vật hiền lành, chính trực nhưng với truyền hình, ông ghi dấu ấn với khán giả qua nhiều vai phản diện. Ông đóng vai phụ trong hàng trăm bộ phim, các nhân vật đôi khi không có tên, chủ yếu là lưu manh được bọc dưới lớp áo trí thức hoặc quan chức. Khán giả đa số không nhớ tác phẩm Phú Thăng tham gia nhưng lại ấn tượng gương mặt ông, với điệu cười nhếch môi, ánh mắt khinh khỉnh tạo nên thương hiệu.
Ông nói: "Tôi quan niệm chẳng có ai xấu hoàn toàn mà cũng chẳng ai tốt hoàn hảo, những nhân vật phản diện đương nhiên là xấu nhưng nếu chỉ đơn thuần diễn tả cái xấu của anh ta thì chưa đủ mà phải phải diễn được cái tốt giả của nhân vật mới có hiệu quả cao. Khi nhận vai, tôi nghiên cứu rất kỹ và thường bị ám ảnh bởi nhân vật".
Phú Thăng cho biết nhiều người ngỡ ngàng khi tiếp xúc ngoài đời bởi tính cách ông trầm, hiền, khác hẳn trên phim. Ông hay đáp: "Thế mới là nghề. Nếu ngoài đời tôi cũng lưu manh, đểu cáng như thế thì sống được với ai. Tôi tự thấy mình là người vui vẻ, hòa đồng, giản dị".
Vai diễn gần nhất của Phú Thăng là bố của Son (Kim Oanh đóng) trong phim Dưới bóng cây hạnh phúc. Nhân vật chỉ xuất hiện trong vài tập nhưng được khán giả thích vì là người thấu tình đạt lý, yêu thương con cái. Trước đó, ông đóng vai Phó Chánh án Nghĩa phim Lựa chọn số phận. Nghệ sĩ diễn tinh tế quá trình chuyển biến tâm lý của một cán bộ vốn là người thực thi pháp luật, bị sức mạnh của đồng tiền tha hóa. Đạo diễn Mai Hồng Phong nói nghệ sĩ là người tỉ mỉ trong từng khuôn hình, có nhiều sáng tạo khi diễn xuất.
Ngẫm lại về cuộc đời và sự nghiệp, Phú Thăng đúc kết: "Tôi nghĩ ông trời luôn công bằng. Tôi kém may mắn trong tình duyên, sự nghiệp nhưng lại hưởng lộc lúc xế chiều. Nghĩ thoáng ra, nếu tôi nổi tiếng sớm có khi lại 'về vườn' sớm. Hoặc nếu lập gia đình sớm, tôi chắc gì đã có con cái ngoan ngoãn như hiện tại. Tôi giờ hài lòng vì công việc đều đều, không còn áp lực kinh tế, thoải mái cống hiến cho nghề".
Hà Thu