Tối 22/6, đêm xiếc "Ở đây, bây giờ và nơi ấy" - sự kiện nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt - đến với công chúng Hà Nội.
Là tác phẩm sáng tác chung của hai đoàn xiếc đến từ hai nước, buổi diễn mang tên "Ở đây, bây giờ và nơi ấy" kết hợp kỹ năng xiếc cà kheo của các thành viên đoàn xiếc Pháp Chabatz d'Entrar và sự tương tác, phối hợp, biểu diễn với tre - loài cây gắn bó trong đời sống người dân Đông Nam Á - của các nghệ sĩ Indonesia. Vở diễn ra đời trên đất Indonesia (khi đoàn xiếc Chabatz d’Entrar tới đây lưu diễn nhân kỷ niệm Mùa xuân nước Pháp năm 2011 và 2012, đoàn được Viện Pháp mời sáng tác một buổi biểu diễn cùng các nghệ sĩ bản địa), chính vì thế, phần kỹ năng xiếc thiên về các nghệ sĩ Pháp nhưng linh hồn, tinh thần vở diễn là của Indonesia. Và câu chuyện, không một lời giải thích từ các nghệ sĩ nhưng qua cách thể hiện, dường như kể một sự tích về cây tre đã gắn bó trong đời sống của người dân quốc gia châu Á này.

Vở diễn mở màn với ba diễn viên xiếc, đại diện cho ba vị thần, mang dáng dấp của người Indonesia, lần lượt xuất hiện. Các vị thần người đầy tua rua, đi trên những đôi cà kheo cao chót vót. Họ di chuyển ở thế giới trên cao - gợi liên tưởng tới câu chuyện về những vị thần trên cây của Indonesia. Cho tới ngày, một phụ nữ cả gan, mạo muội xâm phạm vào thế giới của họ. Cô gái leo trèo trên những thân cây, tinh quái trêu ghẹo các vị thần, chạm đến cánh tay, mái tóc của thần. Cơn mạo phạm của cô gái người trần mắt thịt khiến các vị thần nổi giận. Trong lúc giận dữ bỏ đi, một vị thần đã đánh rơi một cây gậy. Cây gậy chính là thứ vật liệu kể từ đó gắn liền với cuộc sống người dân Indonesia. Con người lấy đó làm nhà, dựng cửa, cây tre hay chính chiếc gậy để lại của vị thần là kế sinh nhai, là cơ sở để họ gây dựng cuộc sống từ những buổi đầu tiên.

Ở phân cảnh tiếp theo, các nghệ sĩ - bốn người Pháp, ba người Indonesia - tung hứng với tre. Họ chuyền những khúc tre ngắn cho nhau tạo thành một vòng xoay tròn, nhịp nhàng, ăn ý trên sân khấu. Nhạc nền lúc này chậm rãi vừa phải, thể hiện nhịp sống của Indonesia từ cội rễ truyền thống. Phía sau lưng các nghệ sĩ, các thanh tre được dựng lên tượng trưng cho mô hình nhà ở truyền thống của người dân Indonesia.
Bối cảnh sau đó đột nhiên thay đổi, vụt chuyển sang cuộc sống hiện đại. Tấm bạt từ phía trên thả xuống với hình ảnh tòa nhà cao chọc trời, che lấp ngôi nhà dựng bằng tre truyền thống. Với nhạc nền sôi động, hai nghệ sĩ Pháp trổ tài với những bước sải chân, xoay người trên cà kheo, trong khi các nghệ sĩ còn lại múa may phía dưới, làm nên hoạt cảnh náo động, ồn ã của cuộc sống hiện đại. Ngụ ý của phân cảnh này là, dù cuộc sống có phát triển như vũ bão, người dân Indonesia vẫn cần đến tre. Những ngôi nhà của họ dù hiện đại tới đâu cũng không thể thiếu nguyên liệu là tre.
Tre là nền tảng trong cuộc sống người dân Indonesia từ xa xưa tới hiện đại nhưng con người cũng phải vật lộn với chúng, như một cái tội mà họ phải gánh chịu vì đã phạm thượng thánh thần. Chính vì thế, có những cảnh, diễn viên xiếc phải xoay vần giữa sân khấu với những thanh tre buộc vào nhau, hay cảnh một người đứng giữa, nâng những cây tre bằng vai và cổ của mình, trong khi những người khác liên tục xếp các thanh tre lên trên, tạo thành một cái gông trên cổ.

Kỹ năng nổi trội nhất của buổi diễn "Ở đây, bây giờ và nơi ấy" là sự di chuyển một cách điệu nghệ trên những đôi cà kheo của các nghệ sĩ đến từ đoàn xiếc Pháp Chabatz d'Entrar. Khán giả được chứng kiến các diễn viên xiếc khuỵu đầu gối, ngả người ra phía sau trên những cây cà kheo dài tới vài mét, đi như bay trên sân khấu hay hai người cùng nâng đỡ nhau trên những cây cà kheo. Các động tác thành thục đến nỗi khán giả có thể cảm nhận, cà kheo cũng chính là đôi chân của họ.
Trong khoảng 45 phút, vở diễn không có nhiều động tác kịch tính, khiến người xem thót tim như những buổi diễn xiếc thông thường, cũng không phải những màn trình diễn mang tính nghệ thuật hoành tráng nhưng đem đến tiếng cười thú vị và những phút giây thoải mái cho người xem. Có thể bắt gặp ở "Ở đây, bây giờ và nơi ấy" tiếng cười dí dỏm, ý nhị rất Pháp và chút ẩn dụ rất châu Á trong câu chuyện về cây tre của Indonesia. Dù vậy, thời lượng quá ngắn khiến nhiều khán giả khi đứng lên ra về vẫn còn muốn nán lại chờ xem còn điều gì không.
Vở xiếc "Ở đây, bây giờ và nơi ấy" từng được công diễn ở Indonesia, sau đó là Đông Timor và diễn ở TP HCM hôm 20/6. Các nghệ sĩ hy vọng mang nó tới nhiều nơi khác và có cơ hội thâm nhập, phối hợp với các đoàn xiếc Việt Nam.
* Ảnh: Nghệ sĩ xiếc tung hứng trong đêm diễn |
Song Ngư
Ảnh: Vũ Khanh