Đạo diễn opera Huyền Nga - học trò nghệ sĩ Lê Gia Hội - cho biết trước khi mất, ông vẫn dành tâm huyết giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lứa học sinh cuối cùng của ông vừa tốt nghiệp vài tháng trước. Nghệ sĩ có một con gái, không theo nghề của bố. Vợ ông là dược sĩ, nhiều năm ở bên chăm sóc sức khỏe chồng. Lễ viếng ông diễn ra lúc 7h15 phút ngày 16/2 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn.
Nhiều học trò tiếc thương khi cây đại thụ của nền nghệ thuật thính phòng qua đời. Đạo diễn opera Huyền Nga nói: "Thầy là tấm gương mẫu mực trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Các học trò đều ảnh hưởng tác phong, lối sống, nếp sinh hoạt điều độ của ông. Ông truyền cho chúng tôi tình yêu nghề trong sáng, tinh thần sẵn sàng cống hiến, không nề hà, tính toán thiệt hơn khi làm nghệ thuật".

Nghệ sĩ Lê Gia Hội ở tuổi 82. Ảnh: Facebook Lê Gia Hội
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói: "Ông là một trong những huyền thoại của nền âm nhạc mới Việt Nam. Ông xuất hiện ở giai đoạn đề cao tính nghệ thuật, thường được gọi là bác học, của âm nhạc nước nhà". Nhạc sĩ gọi nghệ sĩ Lê Gia Hội là người "góp phần tạo nên diện mạo opera, nghệ thuật ca hát trong ngôi nhà âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20".
Ông sinh năm 1940, là thế hệ vàng đầu tiên của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, cùng thời nghệ sĩ Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu. Nghệ sĩ hát chính nhiều vở nhạc kịch như Cô Sao (Đỗ Nhuận), Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich)... Ông từng được nhà nước cử đi tu nghiệp ở Bulgaria.
Sau này, nghệ sĩ giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Học trò của ông chủ yếu trở thành giảng viên các trường nhạc. Một số người theo đuổi sự nghiệp ca hát, thành danh ở cuộc thi Sao Mai như ca sĩ Lê Anh Dũng, Đăng Thuật, Trần Trang...
Hà Thu