Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Phù Mỹ, cậu bé Đào Ngọc Xứng (tên thật Đào Tiến Đạt) lớn lên với ruộng đồng, xoay xở nhiều nghề sinh sống. Năm 1980, Đạt quyết định rời quê vào TP Quy Nhơn kiếm kế mưu sinh. Rồi hoạn nạn liên tiếp ập tới khi việc làm ăn thất bại trắng tay, cha mẹ lần lượt lìa đời khiến anh lâm vào tâm trạng hụt hẫng và "ngộ ra kiếp người quá đỗi mong manh".
Nhưng cũng trong lúc chán chường ấy anh tình cờ đọc được bài báo về cuộc đời thấm đẫm nhân văn của nhà nhiếp ảnh Lewis W. Hine (nhiếp ảnh gia người Mỹ) - người bất chấp tính mạng, hóa trang vào các cơ sở công nghiệp để phản ánh tình trạng bóc lột lao động của trẻ em. Và hình ảnh "Cô bé thợ dệt" lao động cơ cực trong một nhà máy đã trở thành một trong 100 bức ảnh của thế kỷ được Tạp chí LeSigaro và Thông tấn xã GAPA bình chọn. Ông Lewis W.Hine đã chụp 5.000 bức ảnh về đề tài ""bóc lột lao động trẻ em" đăng trên nhiều tạp chí, triển lãm ảnh gây tiếng vang lớn trong xã hội trong thế kỷ 19. Sau đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm bóc lột lao động trẻ em tại các nhà máy, khu công nghiệp ở nước này. "Bài báo ấy đã thôi thúc, mở ra cho tôi đến với nhiếp ảnh vào năm 42 tuổi. Tôi quyết định mua một máy ảnh cũ, bắt đầu tập tành chụp", ông Đạt thổ lộ.
Từ tháng 7/1998, ông một mình rong ruổi ngược về Kon Tum để khởi nghiệp chuyến đi sáng tác ảnh đầu tiên. Trên đường dừng lại ngã ba Phú Tài mua 2 cuộn phim, ông bối rối không biết lắp vào máy thế nào đành phải nhờ chủ tiệm bày cách và truyền đạt một số điều cơ bản về kỹ thuật chụp ảnh.
Chuyến đi ấy chỉ 3 ngày, 2 đêm nhưng các cảnh đời, phận người nơi vùng cao xa xôi đã để lại trong ông xúc cảm mạnh, khó quên. Ông quan niệm, để chớp được "khoảnh khắc vàng" phải đọc, học, tư duy, phải có niềm đam mê thật sự và một chút may mắn. Với nhiếp ảnh, đi xa (chụp ảnh) hay đi sâu (nghiên cứu, tư duy...) đều cần thiết. Những vùng đất mới luôn gây niềm hứng khởi nhưng không chịu khó tư duy thì đi xa có thể chỉ phản ánh hiện thực. Còn đi sâu thì thông qua hiện thực tác phẩm có sức khái quát, hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình có sức sống lâu hơn.
Năm 2002, lần đầu tiên đến Hòa Thắng (Bình Thuận), những đường sóng trùng trùng trên đồi cát mênh mông trong nắng mai đã mê hoặc ông. Tình cờ ông phát hiện đằng xa có 2 người phụ nữ quẩy quang gánh đi lên đồi giữa hai mảng sáng, tối đan xen nên ông bấm liền nhiều kiểu phim. Thế là tác phẩm "Bước ngoặt" ra đời trong giây phút cảm xúc dâng trào của người nghệ sĩ. Chỉ 2 năm sau, bức ảnh này đoạt huy chương xuất sắc nhất tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Manila (Phillippine). Liên tiếp nhiều năm, bức ảnh này đã mang về 33 giải thưởng quốc tế.
Năm 2005, trong một lần đi sáng tác ảnh ở Thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, ông tình cờ gặp bà Tám (tên thường gọi), một cụ già tóc xõa trắng muốt dài chấm gót như tiên. Thoạt đầu anh đặt tên cho bức ảnh là "Thời gian", ngay trong năm này tác phẩm đạt giải thưởng lớn trong cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế ở Ý. Thế nhưng khi trở về, trằn trọc suy tư, đến năm 2006 anh quay trở lại “sống” với nhân vật tâm đắc của mình với bức ảnh "Giấc mơ đời người".
Tác phẩm này đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó giải nhất Ảnh của năm (Pictorial Print of the Year ) của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ, huy chương Ảnh của năm (Photo of the Year) tại Đức, 2 HCV... "Thông qua bức ảnh này, tôi muốn chia sẻ ước mơ lớn nhất của con người là muốn trường sinh bất tử, khát vọng lớn nhất của con người là trường tồn với thời gian. Thế nhưng quy luật tạo hóa rất khắc nghiệt, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ mà thôi", ông Đạt bộc bạch.
Mỗi dịp xuân về, vào mùng 2 tết Nguyên Đán ông lại khai máy. Có năm đi xe máy ngược về vùng cao đón tết cùng đồng bào, lúc thì lang thang về những làng chài ven biển ăn tết cùng các ngư dân hay săn ảnh lễ hội ngày xuân.
Trong một lần săn ảnh nơi quê nhà, ông gặp đoàn đám tang trên đồi cát, lặng lẽ theo sau còn có một con chó. Trong cái mênh mông xoáy lượn của đồi cát như không có điểm khởi đầu và kết thúc, tác phẩm nhiếp ảnh “Trở về cát bụi” ra đời và mang về cho ông 13 giải thưởng trong đó có giải C Ảnh xuất sắc Hội NSNA Việt Nam và Huy chương vàng xuất sắc nhất Châu Á (Gold Medal – Best of Asia) năm 2006. Tác phẩm "Đồ Nho" của nghệ sĩ Đào Tiến Đạt cũng đoạt huy chương vàng xuất sắc nhất Châu Á cùng chung với tác phẩm ""Trở về cát bụi" trong năm này.
* Những bức ảnh đoạt giải quốc tế của nghệ sĩ Đào Tiến Đạt
Ông Đạt cho rằng, ánh sáng và khoảnh khắc bấm máy là yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh, nhưng hình tượng nghệ thuật mới là thước đo giá trị tác phẩm. Từ khi bước vào con đường nghệ thuật, thân phận con người là chủ đề tâm đắc nhất của ông. "Ở đó không chỉ có sự sẻ chia như trở về với chính mình mà còn là tình yêu thương, khát khao cuộc sống. Đời người dù sang hay hèn cũng về với cát bụi, thiết nghĩ nghệ thuật đôi khi đánh thức tâm hồn trong mỗi chúng ta", ông nói.
15 năm gắn bó với nghiệp nhiếp ảnh, thời gian chưa phải là dài nhưng ông Đạt đã gặt hái hơn 700 giải thưởng, trong đó 667 giải thưởng quốc tế. Với thành quả lao động miệt mài, ông đã được phong nhiều tước hiệu danh giá E.VAPA, E.FIAP/b, SAWIEP, Hon EPSM, RISF2, Hon.FtGM... Năm 2010, anh vinh dự được Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ xếp số 1 ảnh đen trắng và ảnh màu khổ nhỏ trong Top OVerseas PSA Who's Who in Photography. Hiện Nghệ sĩ Đào Tiến Đạt là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Định. Ông còn được mời làm thành viên Ban giám khảo các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định cho biết, ông Đào Tiến Đạt là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của "miền đất võ, trời văn" Bình Định nhưng mộc mạc, chân quê, hồn hậu và luôn thân thiện với mọi người. "Xem ảnh của ông tôi cảm nhận nét chân phương, bình dị chân quê. Thẳm sâu trong từng bức ảnh là tình đời, tình người, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng của những miền quê Việt Nam", ông Pha nói.
Ghi nhận sự cống hiến suốt nhiều năm qua của ông, UBND tỉnh Bình Định vừa trao giải A, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu" cho Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt.
Trí Tín