Phim do Trấn Thành đạo diễn cán mốc 400 tỷ đồng sau 17 ngày ra rạp. Ngoài hai gương mặt chính - mẹ con Ngọc Nữ (Lê Giang) và Ngọc Nhi (Uyển Ân đóng), bà ngoại Ngọc Ngà là vai phụ gây chú ý. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đánh giá dàn nghệ sĩ gạo cội như Ngọc Giàu, Việt Anh góp công lớn vào thành công của phim.
Vai Ngọc Ngà được xây dựng đa chiều về tính cách. Bà mặc trẻ trung, tóc nhuộm màu sáng, thích chơi bài tứ sắc. Khi gia đình xảy ra tranh cãi, bà chỉ im lặng, mở băng cassette nghe cải lương, kinh phật. Nhân vật có nhiều phân đoạn mang đến tiếng cười cho khán giả, như cảnh bà Ngà được con rể Phú Nhuận (Trấn Thành) "mua chuộc" để anh lén đi nhậu.
Khác con gái Ngọc Nữ - luôn nghiêm khắc với chuyện yêu đương của Ngọc Nhi, bà bênh vực, bao bọc cháu gái. Khi Nhi và John - bạn trai Việt kiều (Song Luân đóng) bí mật hẹn hò, bà Ngà ngầm ủng hộ mối quan hệ. Nhi cãi mẹ, bỏ nhà ra đi, người bà chạy theo dúi cho cô ít tiền để dành, dặn "khi nào hết tiền thì về". Trên nhiều diễn đàn phim ảnh, đông đảo khán giả nhận xét đây là một trong những phân cảnh giàu cảm xúc. "Qua diễn xuất của nghệ sĩ, vai người bà chạm đến cảm xúc của tôi, cười đó rồi khóc đó", khán giả Lan Hương bình luận.
Trái với vẻ ngoài bàng quan, không can thiệp vào mâu thuẫn của con cháu, người bà là chất keo gắn kết gia đình. Không nói nhiều, mỗi lời thoại của bà chứa đựng tình thương sâu xa, ý nghĩa chữa lành tình cảm rạn nứt, hướng đến suy nghĩ tích cực, cởi mở. Bà khiến con gái Ngọc Nữ nhận ra bản thân nặng tư duy áp đặt con cái. Cuối phim, nhân vật có câu thoại: "Trên đời này không có gì là tuyệt đối hết, tương đối thôi con à".
Trấn Thành cho biết mời Ngọc Giàu tham gia Nhà bà Nữ bởi bà là một trong những nghệ sĩ anh ngưỡng mộ. Nhiều hôm, trên phim trường, bà thức từ khuya đến 7h sáng hôm sau, như phân đoạn con gái Ngọc Nữ (Lê Giang) làm đám cưới ở cuối phim.
"Má Giàu thuộc từng chữ trong thoại chứ không diễn ngẫu hứng, thể hiện sự chuyên nghiệp. Với tôi, má là báu vật của nghệ thuật nước nhà", Trấn Thành cho biết.
Lê Giang nói trên trường quay, chị thường mệt mỏi vì phải quay đi lại nhiều phân đoạn, được nghệ sĩ Ngọc Giàu động viên. "Má luôn duy trì được nguồn năng lượng tích cực, làm việc hăng say. Thấy tinh thần êkíp sa sút sau những ngày quay triền miên, má thường kể chuyện hài, mang đến những tràng cười sảng khoái cho mọi người", diễn viên nói.
Ngọc Giàu vượt nhiều trở ngại sức khỏe để đóng phim ở tuổi 78. Nghệ sĩ đau khớp nhiều năm, đi lại lúc nào cần có người dìu. Bệnh cột sống kinh niên cũng thường xuyên hành hạ, khiến bà phải uống thuốc giảm đau.
Áp lực lớn nhất của Ngọc Giàu là phải ghi nhớ những đoạn thoại dài. Bà từng sợ mình già, thiếu minh mẫn, khó theo kịp lớp trẻ. Đạo diễn yêu cầu bà đứng lên, ngồi xuống đúng lúc bởi chỉ cần trật một nhịp, êkíp phải quay lại từ đầu. "Thế nhưng, mỗi lần nghe hô 'diễn', tôi quên hết đau đớn, mệt mỏi", bà nói.
Gia đình là chỗ dựa giúp bà có thêm động lực làm nghề. Ngọc Giàu được chồng đưa đi quay mỗi ngày, chờ đến khuya để bà hoàn thành phân cảnh mới đón về nhà. Trong túi, ông luôn để sẵn vài loại thuốc, phòng khi sức khỏe bà chuyển biến xấu. Ngọc Giàu nói: "Nếu không có chồng sát cánh, tôi đã bỏ nghề từ lâu. Hơn 40 năm, chúng tôi gắn bó bằng sự tin tưởng, tôn trọng và luôn hiểu rằng: để ăn đời ở kiếp cần biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau".
Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu tên đầy đủ là Phong Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1945. Bà nổi tiếng từ nhỏ với chất giọng trời phú. 12 tuổi, bà được nhận vào gánh hát Mai Lan Phương - Ngọc Chiểu với vai trò ngâm thơ hậu trường. Chủ một hãng đĩa lớn ở Sài Gòn sau khi nghe bà - khi ấy 14 tuổi - hát thử đã ký hợp đồng dài hạn. Năm 1960, bà đoạt giải Thanh Tâm với vai đào chính Điêu Thuyền.
Ngọc Giàu có khả năng diễn đa dạng với các vai đào mùi, đào mụ, đào lẳng, đào võ, đến những vai giả trai, con nít... Đến nay, bà có hàng trăm vai diễn trên sân khấu, phim ảnh và vẫn miệt mài gắn bó với diễn xuất. Bà đóng nhiều phim điện ảnh như Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), Sài Gòn anh yêu em (2016), Pháp sư mù (2019), Bố già (2021)...
Mai Nhật