Bà xuất hiện trong buổi giao lưu nhân cuộc thi sáng tác âm nhạc Đất nước trọn niềm vui, hôm 16/10 tại TP HCM, sau nhiều năm vắng bóng. Giữa chương trình, nghệ sĩ ngẫu hứng thể hiện ca khúc từng góp phần làm nên tên tuổi bà. "Tôi về hưu 21 năm qua, không còn biểu diễn nhiều. Dù vậy, giai điệu bài hát đã khắc sâu trong ký ức", nghệ sĩ cho biết.
Hát "chay" vì không chuẩn bị nhạc nền, bà được cả khán phòng cổ vũ khi vừa cất giọng. Với chất giọng nữ cao, bà kết hợp kỹ thuật giả thanh cùng lối hát luyến láy, trữ tình. Ở những đoạn ngân giọng theo màu sắc thính phòng, bà khiến nhiều khán giả vỗ tay theo từng nhịp.
Kết thúc tiết mục, khách mời - ca sĩ, giảng viên Ánh Tuyết lên sân khấu tặng hoa, bày tỏ ngưỡng mộ với đàn chị. "Nghe chị hát không thấy dấu hiệu của tuổi tác, cảm tưởng như lúc hơn 50 năm trước, khi mới vào nghề. Tôi chỉ ước 12 năm nữa, khi bằng độ tuổi của chị, sẽ hát được như thế", bà Ánh Tuyết nói.
Ở phần giao lưu, nghệ sĩ Măng Thị Hội hồi tưởng giai đoạn mới đi hát, may mắn là người đầu tiên được thể hiện sáng tác kinh điển của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Năm 1973, bà chuẩn bị tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Nghệ sĩ Vũ Thúy Huyền - cô giáo của bà khi ấy - chọn cho học trò ca khúc Bóng cây Kơnia làm bài thi ra trường. Nhạc phẩm giúp bà đạt điểm tuyệt đối, gây tiếng vang với giới âm nhạc.
Măng Thị Hội cho biết một lần, nhà trường tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên, sau khi bà thể hiện ca khúc, sân vận động như vỡ ra bởi những tràng pháo tay của khán giả. Thành công khiến bà được đồng nghiệp gọi vui là "Măng Kơnia". Bài hát trở thành bệ phóng, giúp nghệ sĩ tiếp tục trở thành giọng ca nổi tiếng của dòng thính phòng - cách mạng, với các bài Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu.
Nhạc phẩm được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ từ bài thơ của Ngọc Anh trong tuyển tập Tiếng hát miền Nam (Nhà xuất bản Văn học, năm 1960). Ông từng nhiều lần bắt tay vào phổ nhạc nhưng chưa ưng ý, phải gác lại ý định viết ca khúc. Năm 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Tây Nguyên. Sáu năm lăn lộn ở đây, cảnh sắc, con người vùng cao thấm đẫm vào tâm hồn nhạc sĩ, thôi thúc ông viết một nhạc phẩm cho mảnh đất này.
Năm 1970, khi ra Bắc trị bệnh, cảm xúc cũ ùa về, ông hoàn thiện bài hát một năm sau đó. Hơn 50 năm qua, ca khúc từng được nhiều ca sĩ, thí sinh trong các cuộc thi âm nhạc thể hiện, như Lan Anh, Thu Minh, Phương Nga, nhưng bản thu của nghệ sĩ Măng Thị Hội vẫn in đậm dấu ấn với các thế hệ khán giả.
Cuộc thi Đất nước trọn niềm vui do báo Người lao động tổ chức, hướng tới chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/2025), góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, lòng tự hào về quê hương, Tổ quốc. Ban tổ chức cho biết đến nay nhận được 80 tác phẩm dự thi từ 60 tác giả, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng của làng nhạc. Cuộc thi kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 12, tác phẩm thắng cuộc sẽ được dàn dựng trong lễ trao giải Mai Vàng ngày 8/1/2025, tại Nhà hát TP HCM.
Mai Nhật