Diễn viên Tấn Thi - đồng nghiệp - cho biết bàng hoàng khi được người thân nghệ sĩ Mai Thành báo tin ông qua đời hôm 15/12. Tấn Thi nói: "Do dịch bệnh, tôi hiếm khi được gặp ông. 5 năm gần đây, sức khỏe ông ngày càng xuống dốc, đi lại khó khăn vì chân yếu".
Tang lễ nghệ sĩ được tổ chức tại nhà riêng ở đường 3/2, quận 10. Lễ động quan diễn ra sáng 18/12, linh cữu được an táng tại huyện Ba Tri, Bến Tre - quê nhà nghệ sĩ.
Một thời làm nghề chung với Mai Thành, bà "bầu" Kim Cương cho biết ông đầu quân cho đoàn kịch của bà khi cải lương dần thất thế, phim ảnh Hong Kong lên ngôi. Cùng bà và nhiều cộng sự, ông góp phần mở đường cho dòng kịch Nam bộ, với các tác phẩm Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo... Kim Cương nói: "Thời đó, Mai Thành đắt sô lắm, quay cho nhiều ban kịch truyền hình, chủ yếu là vai lão. Mỗi khi tập tuồng, ông rất hay tranh luận với đạo diễn để vai của mình lẫn bạn diễn có chiều sâu hơn, tránh trùng lặp dạng vai đã đóng".
Nghệ sĩ Mai Thành tên thật là Võ Văn Thiêm, sinh năm 1939, quê Bến Tre. 13 tuổi, ông cùng gia đình di cư lên Sài Gòn. Mê hát từ nhỏ, ông từng mơ theo nghiệp sân khấu để giúp gia đình có tiền đong gạo. Mỗi lần có tiền ăn sáng, ông gom góp mua sách in các bài vọng cổ để tập ca. Lớn lên, ông thi vào khóa diễn viên đầu tiên của trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM).
Ông được cố nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há dạy kỹ năng diễn từ những vai nhỏ, như chạy cờ, múa kiếm, nhắc tuồng, làm quân hầu, múa ngựa... Ông từng nói: "Vai nào tôi cũng chịu diễn, cả ngày không muốn rời sàn tập, ai dạy gì thì cũng học và làm cho tới cùng. Có thể nhờ cá tính đó, tôi được thầy cô khen là kép cải lương tử tế". Ông dần được biết đến trong các vở nổi tiếng: Khi người điên biết yêu, Giai nhân và ác quỷ, Vó ngựa truy phong...
Thập niên 1990, ông được chú ý trên màn ảnh với các phim Xóm nước đen, Chuyện của Tuấn, Chim phóng sinh, Chung cư, Con chó Phèn, Ngày ấy quê tôi, Người đẹp Tây Đô, Sương gió biên thùy... Vóc dáng khắc khổ, chòm râu bạc trắng, ông thường được giao các vai lão có tính cách hiền hậu, số phận truân chuyên. Một thời gian, ông còn đi làm nghề lồng tiếng vì thích nói lên tâm tư của nhiều nhân vật. Phim cuối cùng ông tham gia là vai thầy Nguyễn trong Long Thành cầm giả ca năm 2010 (đạo diễn Đào Bá Sơn) - tác phẩm được thực hiện nhân kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khi bước sang tuổi 70, ông vẫn chưa hết đam mê diễn xuất. Hễ có lời mời đóng phim, kịch, ông lại vác ba lô lên đường. Vài năm trước, khi được hỏi về tâm nguyện ở tuổi gần 80, ông cho biết: "Tôi mong có được cơ hội như má Bảy Nam, ở tuổi 94 vẫn được diễn cùng con cháu, dẫu một suất thôi cũng mát dạ". Niềm an ủi cuối đời của ông là có gia đình gồm vợ cùng tám người con làm điểm tựa tinh thần, luôn ủng hộ ông với nghiệp diễn.
Tam Kỳ