Bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, ra mắt năm 1997, gây chú ý trở lại nhân phiên bản điện ảnh sắp ra mắt. Nghệ sĩ Mạc Can - từng đóng nhân vật bác Ba Phi - cho biết chờ đợi phim mới. Trước tin Trấn Thành sẽ đảm nhận vai diễn gắn liền tên tuổi của mình, Mạc Can nói: "So với nguyên mẫu nhân vật, tuổi đời của Trấn Thành còn trẻ. Tuy nhiên, nếu không thử sao biết cậu ấy thể hiện tốt hay không".
Mạc Can từng được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mời vào vai khi trạc tuổi nhân vật - khoảng 50 tuổi, gương mặt tếu lại hay nói dóc. "Tôi cùng đạo diễn nhiều lần ngồi cà phê trò chuyện để trao đổi về cách diễn", ông cho biết.
Diễn viên hình dung nhân vật là một ông già Nam Bộ, sống phóng khoáng, xởi lởi, tương đồng với ông ngoài đời. Khi nhập vai, ông diễn như không. "Tôi có cách vào vai như thật. Vóc dáng, lời nói, đi đứng là của mình nhưng người ta không nhìn ra đó là Mạc Can. Thành công của vai này là mỗi lần đi xuống miền Tây, mọi người đều gọi tôi với cái tên bác Ba Phi", nhà văn nói.
Trong Đất phương Nam, ông có khoảng bốn phân đoạn, quay ở bối cảnh khác nhau tại khắp tỉnh miền Tây. Thời điểm đó, phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn, cả đoàn phim chỉ có một máy quay nên ai cũng phải diễn một cảnh hai đến ba lần để lấy nhiều góc máy. Những ngày không có lịch diễn, ông vẫn rong ruổi theo đoàn phim để quan sát, chụp lại hình ảnh sông nước, hậu trường của đoàn phim làm tư liệu viết sách.
Theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Mạc Can và nhân vật Ba Phi giống nhau ở điểm lưu lạc ở lục tỉnh miền Tây suốt thời trẻ. Về gương mặt, nghệ sĩ có nét hài hước, châm biếm. Trong cách trò chuyện, Mạc Can cũng hay đùa giỡn, đem đến cho người nghe tiếng cười vui vẻ. Cái hay của tác giả Tấm ván phóng dao là dù được yêu cầu diễn đi diễn lại nhiều lần, ông vẫn giữ được sự duyên dáng như ban đầu. Trong phim, đạo diễn nhớ nhất cảnh bác Ba Phi kể chuyện con ếch biết đàn. Mạc Can diễn xuất trước ống kính nhưng lại khiến cho cả đoàn phim không nhịn được cười bởi lối kể tự nhiên, nửa đùa nửa thật.
Diễn viên Hùng Thuận (đóng vai bé An) nhớ hình ảnh nhà văn luôn cầm trên tay chiếc máy ảnh chụp hình vì lúc đó ông viết báo. Ông còn làm nhiều trò ảo thuật cho anh và Phùng Ngọc (vai thằng Cò) xem để giải trí mỗi khi đoàn nghỉ ngơi. Diễn viên ấn tượng với trò cầm sợi dây thun tạo ra nhiều hình thù của nghệ sĩ gạo cội. Đi quay ở vùng sông nước, trong rừng Sác Cần Giờ, mọi người trong đoàn phim bị bù mắt cắn, nổi mẩn đầy người. Mạc Can đã ví tiếng gãi ngứa là tiếng đàn kìm. "Ngày nào có nghệ sĩ xuất hiện thì ngày đó đoàn phim rộn tiếng cười vì ông ấy rất hay nói đùa", Hùng Thuận cho biết.
Ở tuổi 77, Mạc Can sống cùng con gái út và cháu ngoại trong căn nhà trọ ở quận Bình Tân (TP HCM), vừa dưỡng bệnh vừa viết sách. Nghệ sĩ cho biết cuốn sách viết chung với nhà văn Nguyễn Đông Thức có tựa đề Ma bệnh viện, ma gánh hát sắp xuất bản. Ông cũng làm xong thủ tục giấy tờ nộp cho Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM, chờ ngày chuyển vào. Hiện ông sống bằng tiền trợ cấp của Hội nghệ sĩ, nhuận bút và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, khán giả.
Nghệ sĩ tên thật Lê Trung Can, sinh năm 1945 ở Tiền Giang. Ông tham gia nhiều lĩnh vực: viết văn, đóng phim, biên kịch, làm ảo thuật, diễn hài. Mạc Can cũng viết nhiều sách như: Ba... ngàn lẻ một đêm, Quỷ với bụt và thần chết, Tấm ván phóng dao. Ông từng tham gia nhiều phim gây tiếng vang như Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Đất khách, Cổ tích Việt Nam, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam.
Phim truyền hình Đất phương Nam dài 11 tập, về cậu bé An mồ côi mẹ, tha phương đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa. Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu - nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Sau khi phát sóng, tác phẩm gây sốt, trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển. Nhiều nhân vật trở thành hình tượng đẹp trong ký ức người xem như bé An (Hùng Thuận), thằng Cò (Phùng Ngọc), ông Ba bắt rắn (Mạnh Dung), bác Ba Phi (nhà văn Mạc Can), Võ Tòng (Lê Quang).
Hoàng Dung