Bà là một trong những khách mời được khán giả trông chờ ở chương trình tối 29/10 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1. Xuất hiện giữa đêm nhạc, bà xúc động cúi chào khi tái ngộ người hâm mộ sau thời gian dài vắng bóng sân khấu. Nghệ sĩ thể hiện bản tân cổ Thương hoài miền Tây, do con trai Dương Đình Trí sáng tác.
Khi Lệ Thủy cất giọng, nhiều người hâm mộ xuýt xoa bởi nghệ sĩ giữ vững phong độ ca hát. Sau 50 năm ca hát, tiếng hát bà vẫn vang, sáng với âm sắc thổ đặc trưng. Ở màn vọng cổ, bà lấy được tiếng nhiều tiếng vỗ tay từ người xem với khả năng ca hơi dài. Thương hoài miền Tây là một trong những bản tân cổ ghi dấu tên tuổi của Lệ Thủy, viết về cảnh đẹp, tình người miền Tây Nam Bộ: "Đến quê mình nghe mùi hương gạo làng ta/Long An đây rồi kia là sông nước Tiền Giang/ Ai uống nước dừa xin mời qua Bến Tre xưa/ Vĩnh Long thăm tình thương hoài em gái Cần Thơ".
Khán giả Quỳnh Phạm (28 tuổi) cho biết nghe Lệ Thủy hát từ nhỏ qua tivi, băng cassette, đến nay mới được dịp nghe trực tiếp. Chị nói: "Lối hát của cô gần như không thay đổi, có phần mùi mẫn hơn theo thời gian. Bài Bánh bông lan của cô và chú Minh Vương với tôi đã trở thành kinh điển, nghe suốt 20 năm qua vẫn không thấy chán". Kết thúc tiết mục, Lệ Thủy gửi tặng khán giả thêm ca khúc Ảo mộng phù du - cũng do Dương Đình Trí sáng tác.
Lệ Thủy cho biết bà cùng nhiều nghệ sĩ trong chương trình biểu diễn không thù lao để giúp đỡ trẻ mồ côi do Covid-19. Bà nói: "Là người thường đi thiện nguyện, tôi chỉ mong có thật nhiều đêm nhạc như vậy để được thỏa lòng đóng góp. Hễ còn sức, tôi sẽ còn hát ".
Ở tuổi 74, Lệ Thủy chủ yếu đồng hành cùng công tác từ thiện, thỉnh thoảng tham gia các đêm nhạc do con trai làm bầu show. Nghệ sĩ cho biết "thèm" được diễn một tuồng dài, nhưng vẫn chưa có điều kiện tổ chức do sân khấu còn hạn chế. Nhiều lần, bà cùng một số nghệ sĩ nghĩ ra ý tưởng vực dậy ca cổ nhưng bất lực vì sức có hạn. Bà nói: "Tôi có chút chạnh lòng khi nghĩ về cải lương hiện tại. Nhưng có muốn làm gì hơn được nữa, tôi và thế hệ tôi đã không thể nữa rồi. Tôi chỉ tự nhủ mang tiếng hát đến khán giả, để cải lương vẫn tiếp tục sống".
Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948 tại Vĩnh Long. Hoàn cảnh khó khăn, bà từng theo bố mẹ lên Sài Gòn kiếm sống và xin làm việc ở gánh Trâm Vàng (Đồng Nai) khi mới 10 tuổi. Sau khi gặp Minh Vương và trở thành đôi song ca, Lệ Thủy được hâm mộ qua các tuồng Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi, Đời cô Lựu, Đêm lạnh chùa hoang, Lá sầu riêng... Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang từng nhận xét: "Lệ Thủy là cô đào ngoại hạng của sân khấu cải lương".
Bà thành công khi kết hợp với nhiều kép như: Thanh Hải, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Minh Vương, Chí Tâm, Châu Thanh... Trong đó, bà để lại dấu ấn sâu sắc bên cạnh nghệ sĩ Minh Vương. Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu trưởng thành từ giai đoạn vàng son của cải lương. Con trai Lệ Thủy - ca sĩ Dương Đình Trí - tiếp bước mẹ, gây dựng nên chuỗi liveshow Bước chân hai thế hệ.
Đêm nhạc Tìm mẹ trong mơ kéo dài hơn ba giờ với gần 1.000 khán giả, quy tụ hàng chục nghệ sĩ. Hoài Linh xuất hiện cuối chương trình, diễn tiểu phẩm Vé số độc đắc cùng đàn em Hứa Minh Đạt. Nội dung tiểu phẩm xoay quanh hai cụ già trốn viện dưỡng lão, phát tờ vé số kỷ niệm trúng độc đắc. Từ Mỹ về nước, Ngọc Huyền thể hiện các bản tân cổ Phận tơ tằm (Minh Kỳ, Chờ đông (Ngân Giang). Kim Tử Long trình bày ca khúc Về đâu mái tóc người thương (Hoài Linh). Phương Hằng khoe chất giọng ngân vang qua nhạc phẩm Cha tôi (Ngọc Sơn)...
Cuối buổi, chương trình thu về số tiền ủng hộ gần 7 tỷ đồng từ các cá nhân, đơn vị. Chương trình do Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP HCM tổ chức nhằm gây quỹ nuôi dưỡng 150 trẻ mồ côi, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới cho những hoàn cảnh khó khăn, mua bảo hiểm y tế, tài trợ học bổng đến năm 18 tuổi...
Mai Nhật