Họa sĩ Ngọc Dân lấy 18 trong 3.254 câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để ngâm trên nền tiếng đàn tranh của tiến sĩ Trần Đoàn Lâm.
"... Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lận trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh..."
Nhà thơ Vương Trọng cho biết lẩy Kiều là một trong những loại hình nghệ thuật, thú chơi tao nhã của nhà nho thời xưa. Lẩy Kiều thường là ghép các câu khác nhau trong Truyện Kiều để tạo ra nghĩa khác, ứng với văn cảnh khác, đòi hỏi người chơi thuộc tác phẩm. Nhiều người chưa phân biệt được lẩy Kiều và tập Kiều. Lẩy Kiều yêu cầu trích nguyên văn câu thơ, còn tập Kiều có thể thêm, bớt chữ do người đặt làm ra. "Nhờ những thú vui tao nhã như thế đã cho ra đời cả hàng nghìn bài thơ về Kiều mang nhiều nội dung, chủ đề khác nhau", ông nói.
Ngọc Dân ngâm thơ Kiều trên nền tiếng đàn tranh của Trần Đoàn Lâm. Video: Mai Hà books. |
Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức còn có các hoạt động viết thư pháp, tọa đàm khoa học Kiều trong cuộc sống hôm nay, giới thiệu thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và thư pháp gia Châu Hải Đường, trưng bày các ấn phẩm Kiều... Nhà xuất bản Mai Hà còn tái bản ba cuốn sách Kim Vân Kiều, Lãm Thúy Tập, Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du.
Kim Vân Kiều với phần bài trí của các họa sĩ Phạm Thúc Chương, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Sekiguchi, Mai Trung Thứ. Lãm Thúy Tập do Nguyễn Bá Cung soạn năm 1926, tập hợp các loại thể Nôm lẩy truyện Kim Vân Kiều, gồm bốn phần: ca, liên, thơ, văn. Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du là tuyển tập những đoạn tựa, bình, vịnh Kiều hay nhất do nhà sử học Đào Duy Anh biên tập. Tác phẩm còn có 11 bức tranh in màu trên giấy dó của những họa sĩ hàng đầu Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... Sách lần đầu xuất bản năm 1942 để lấy tiền sang sửa phần mộ và dựng bia kỷ niệm cho Nguyễn Du.
Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ông sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Ông có ba tập tác phẩm tiếng Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông.
Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Hiểu Nhân