Nghệ sĩ Hữu Quốc (giữa) và đồng nghiệp trước giờ biểu diễn. |
- Anh có thể cho biết rõ hơn về chương trình biểu diễn ngày 25/11 sắp tới?
- Chương trình biểu diễn có hai phần. Phần 1 (45 phút), các nghệ sĩ sẽ trình diễn các trích đoạn trong Dạ cổ Hoài Lang, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Kiều Nguyệt Nga, Thiếu phụ Nam Xương. Phần 2 (60 phút), mở màn bằng bài ca múa Kiếp con tằm, Trần Quốc Toản ra quân, Dệt gấm, Thanh Xà Bạch Xà. Sẽ có hơn 500 khách mời là lãnh đạo UBND TP HCM, Sở Du lịch, Sở VHTT, khoảng 60 đại diện của các công ty du lịch lữ hành cùng người hâm mộ đến dự.
- Nung nấu ý tưởng có một sân khấu cải lương phục vụ du lịch từ rất lâu, giờ ý tưởng ấy đã thành hiện thực, anh cảm thấy thế nào?
- Buổi biểu diễn ngày 25/11 đối với chúng tôi rất quan trọng. Sau 3 tháng tập luyện miệt mài, đây là lúc chúng tôi "báo cáo" thành quả của mình. Thời gian qua, chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ mọi người. Kinh phí thì nhà hát bỏ ra. Rất nhiều ban ngành khác cũng cùng vào cuộc. Riêng về phần anh em nghệ sĩ, đến nay đã có gần 100 diễn viên tham gia vào chương trình. Hằng năm, có rất nhiều bạn trẻ tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên cải lương nhưng thiếu đất "dụng võ". Diễn viên cải lương trẻ bây giờ ít được diễn như các cô các chú ngày xưa. Mà hát cải lương là nghề dạy nghề, nếu không được biểu diễn thường xuyên thì rất khó.
Bây giờ tôi vừa thấy áp lực lớn, vừa rất mừng khi có một sân khấu du lịch hình thành và phát triển là mảnh đất tốt cho anh em sống được với nghề.
- Theo anh, du khách quốc tế sẽ cảm nhận chương trình thế nào khi có rào cản về ngôn ngữ?
- Trong các tiết mục, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh tiết tấu, nội dung súc tích, lời ca kết hợp hài hòa với vũ đạo, tập trung diễn xuất để làm sao du khách có thể hiểu được nhân vật và tình huống của vở. Bên cạnh đó, khách cũng có cơ hội giao lưu, tìm hiểu loại hình nghệ thuật cải lương, như hóa trang thành những nhân vật, học cách hát thử...
Tôi nghĩ khi đi du lịch nước ngoài, điều mà du khách muốn tìm thấy là những gì mà nước họ không có. Ví dụ, người Việt Nam đi du lịch Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... cũng thích thú, thán phục trước sân khấu truyền thống đậm đà màu sắc văn hóa của họ, dù đâu phải người Việt Nam nào cũng hiểu rõ kinh kịch, kịch Nô. Bên cạnh chèo, tuồng, rối nước... thì cải lương là một trong những "đặc sản" của Việt Nam mà chắc chắn du khách khi đến thăm sẽ muốn "nếm" thử. Vậy thì tại sao chúng ta không phục vụ họ?
- Sau buổi biểu diễn báo cáo, kế hoạch lâu dài cho hoạt động của sân khấu cải lương phục vụ du lịch sẽ ra sao?
- Trước mắt, chúng tôi tập trung tất cả cho buổi diễn ngày 25/11. Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều phản hồi, góp ý từ các đại diện của công ty du lịch, từ khán giả để hoàn thiện chương trình hơn, trước khi thật sự biểu diễn cho khách quốc tế. Đây là một kế hoạch dài lâu nên cũng không có gì gấp gáp. Hiện tại, lực lượng chính là dàn diễn viên của chương trình Thắp sáng niềm tin, gồm những nghệ sĩ từng đoạt HCV giải Trần Hữu Trang như: Trinh Trinh, Mỹ Hằng, Tâm Tâm, Hoàng Nhất, Thy Trang, Lê Hồng Thắm... Chương trình phục vụ biểu diễn ổn định, khoảng 1 năm mới thay đổi tiết mục mới và các sinh viên vừa tốt nghiệp có dịp để thay thế các anh chị đi trước, vừa học vừa làm để rèn nghề.
Anh Vân thực hiện