Trưa 21/7, tại một khu chung cư ở đường Ngô Gia Tự, quận 10, nghệ sĩ Hữu Quốc - đại diện nhóm Bếp yêu thương - liên tục hối các tình nguyện viên đẩy mạnh tiến độ để kịp 1.100 suất ăn cho người dân ở các khu phong tỏa. Bị gout lâu năm, anh đi tập tễnh, các ngón chân đau nhức, sưng phồng vì liên tục di chuyển. Sau khi từng miếng gà kho, túi canh bầu nóng hổi được đóng gói, chuẩn bị chất lên xe, anh mới thở phào nhẹ nhõm, coi như hoàn thành "chỉ tiêu" trong ngày.
Nhóm Hữu Quốc khởi xướng chương trình nấu ăn hỗ trợ người dân bị phong tỏa từ đầu tháng 7. Khi đó, sẵn có quán ăn nhỏ, anh nghĩ: "Sao mình không nhân cơ hội này chế biến thêm các suất ăn tặng người nghèo?". Nói là làm, anh lập tức kêu gọi các diễn viên trẻ trong sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần như Vũ Trần, Võ Ngọc Tân, Võ Ngọc Tiến, Khánh Đăng, Quỳnh Anh... chung tay.
Đợt đầu, do nhân lực và kinh phí còn hạn chế, nhóm anh chỉ nấu 500 suất, phát vào chiều Chủ nhật mỗi tuần. Khi các mạnh thường quân hưởng ứng rầm rộ, anh mạnh dạn tăng lên hàng nghìn suất mỗi ngày. Chế biến gần 200 kg thịt, 100 kg rau củ, anh chia quy trình tổ chức gian bếp thành nhiều công đoạn theo dây chuyền. Hai bếp trưởng phụ trách nấu nướng, các nghệ sĩ trẻ cùng nhau bỏ hộp, đóng gói và làm shipper vận chuyển đến các địa điểm theo lịch trình. Ngoài các xóm lao động ở quận 4, quận 8, quận 10... đang cách ly, nhóm anh còn gửi đến đội ngũ nhân viên y tế, chiến sĩ trực tại các chốt phong tỏa.
Cách nơi đóng quân của nhóm Hữu Quốc vài km, bếp 0 đồng của nhóm Suối mát từ tâm - với sự tham gia của hoa hậu Tiểu Vy, á hậu Kiều Loan, Phương Anh... - cũng không ngừng "đỏ lửa". Mỗi ngày, họ nấu cơm gửi tặng tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện, Thành đoàn, đội ngũ truy vết... Đầu tháng 7, họ dự định mỗi ngày chỉ nấu 1.000 suất, mỗi hộp cơm trị giá 50.000-60.000 đồng. Đến nay, con số đã lên đến 3.500 phần vì nhiều đơn vị đăng ký xin thêm.
Hoa hậu Tiểu Vy cho biết tham gia đứng bếp những ngày không phải học online. Từ sáng sớm, cô đến cùng các tình nguyện viên, chuẩn bị nguyên liệu và ở lại đến tối để dọn dẹp, tổng vệ sinh. Á hậu Ngọc Thảo đưa bố mẹ và em gái đi phụ bếp mỗi ngày. Trong mỗi khẩu phần, họ chuẩn bị những bức thư nhỏ gửi gắm tình cảm, chúc đội ngũ chống dịch ăn ngon, giữ sức khỏe. Chị Phạm Kim Dung - đại diện nhóm - cho biết, dù tăng khẩu phần, bếp vẫn giữ nhân sự khoảng 40-50 người, không tuyển thêm để đảm bảo an toàn thời dịch. Đội ngũ đứng bếp hầu hết đã được tiêm vaccine lần một, cách ba ngày lại tập trung xét nghiệm.
Trong căn hộ penthouse tại quận 2, diễn viên Trương Ngọc Ánh khoe nồi cá nục kho nghi ngút khói mà chị chuẩn bị cho bữa trưa của các y tá, chiến sĩ, tình nguyện viên ở các bệnh viện dã chiến. Chị lên kế hoạch chuẩn bị các hộp cơm hỗ trợ khi thấy hình ảnh các y bác sĩ từ nhiều địa phương bịn rịn chia tay gia đình, vào TP HCM giúp chống dịch. Diễn viên bàn với mẹ, dì, người giúp việc lập thành "bếp gia đình", chuẩn bị khoảng 300 suất, thực đơn thay đổi đa dạng mỗi ngày.
Các nhóm nghệ sĩ vượt khó để những phần cơm kịp đến tay người dân hàng ngày. Chị Kim Dung cho biết áp lực lớn nhất là việc đảm bảo nguồn thực phẩm với số lượng lớn, tươi ngon, giao đúng hẹn. Mỗi ngày, họ đặt mua từ ba, bốn nhà cung cấp khác nhau mới đủ vài trăm kg thịt. Từ ngày 9/7, TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, nhóm chật vật lo giấy thông hành vì khắp ngả đường vào bếp ăn bị phong tỏa, khâu vận chuyển nguyên liệu ùn tắc. Gần đây, họ bớt áp lực hơn khi các đơn vị chủ động điều xe đến nhận cơm vào 11h mỗi ngày.
Nhân lực có hạn, nhóm nghệ sĩ Hữu Quốc cũng phải tự chạy xe máy làm shipper những ngày đầu. Các diễn viên trẻ không rành đường xá ở các khu lao động, nhiều hôm phát xong khi trời tối mịt. Về sau, một đơn vị vận tải hay tin hoạt động của nhóm, xin tình nguyện phụ trách khâu vận chuyển miễn phí. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất với Hữu Quốc là những phen bị "bom hàng". Nghệ sĩ cho biết, có lần, một bạn trẻ nhắn tin xin đăng ký gấp 20 suất cho đội ngũ y tế của phường, nhóm anh đôn đáo để lo thêm khẩu phần. Đến giờ hẹn, anh liên lạc thì người này xin lỗi, cho biết nhóm y tế không còn ở đó. Nhìn các phần ăn bị dư, anh xót xa vì các suất không đến được với người đang cần.
Với các diễn viên trong nhóm, thu nhập của họ ba tháng qua bằng 0 vì sàn diễn đóng cửa. Đạo diễn Vũ Trần nói anh thắt lưng buộc bụng để sống bằng tiền để dành. Nhiều đàn em của anh như diễn viên Võ Ngọc Tiến, Khánh Đăng... phải ở ghép phòng trọ để tiết kiệm phí sinh hoạt. Dẫu khó khăn, đôi khi buồn bực, nhóm thiện nguyện cho biết chỉ cần chứng kiến nụ cười, nước mắt của người dân trong khu phỏng tỏa là họ vực dậy tinh thần.
"Nhìn nhiều cụ già nghẹn ngào, lắp bắp nói lời cảm ơn khi nhận các phần cơm 0 đồng, chúng tôi thấy nỗi khổ của mình không là gì và công sức bỏ ra xứng đáng", Vũ Trần nói.
Nhật An