Mặt nạ là nét đặc trưng nhất của Lễ hội hóa trang ở Italy. Dựa trên cảm hứng từ những chiếc mặt nạ Venice, nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang đã sử dụng những chất liệu truyền thống của Việt Nam như: vải, chổi, tre, hạt đỗ, rơm... để tạo ra những chiếc mặt nạ đầy tính nghệ thuật. Những chiếc mặt nạ được sáng tạo theo các phong cách mặt nạ Venezia.
Một hình ảnh trong chương trình Carnivale Di |
Vào thời kỳ xa xưa, người dân Venice khởi xướng ra lễ hội Carnival với nghi thức hoá trang đeo mặt nạ, là một trong những cách khiến cho các đẳng cấp xã hội biến mất, khi đeo mặt nạ mọi người đều cảm thấy bình đẳng như nhau.
Trăn trở với câu hỏi "Vì sao con người lại muốn đeo mặt nạ? Vì muốn giấu kín con người, thân phận bên trong? Hay vì muốn sự bình đẳng trong xã hội?", Nguyễn Thùy Trang đã thực hiện những chiếc mặt nạ Italy để tìm lời giải đáp.
Thùy Trang mời 6 người không quen biết nhau, với những ngành nghề, công viêc khác nhau tham gia vào một video art. Họ dùng 6 mặt nạ cải trang để tham dự một lễ hội Carnival do chính họ tạo ra để xem mối liên hệ diễn biến ra sao giữa chiếc mặt nạ và con người, giữa người và người. Lễ hội Carnival chính là trò chơi hoá trang, là ranh giới giữa sân khấu và đời thực. Thế giới của những ám thị, mở mà khép.
Chương trình nghệ thuật Carnevale Di Venezia của Nguyễn Thùy Trang bao gồm sắp đặt, video art và ảnh. Chương trình diễn ra lúc 18h ngày 13/6 tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội.
Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang. |
Nguyễn Thùy Trang sinh năm 1988 tại Hà Nội, cô tốt nghiệp trường Ecole superieure des Beaux-Arts d'Angers - Pháp, chuyên ngành Art - Media và Textile - Tapisserie năm 2012. Trước đó, Trang theo học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cô được biết đến trong vai trò là người sáng lập và giảng dạy tại Xưởng Nghệ thuật Tí Toáy dành cho trẻ em. Thùy Trang từng được Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010), tham gia Triển lãm quốc tế Mini Textile tại Pháp năm 2012.
Lam Thu