![]() |
NSƯT Doãn Tần. |
Quê tôi, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư nằm ở cuối tỉnh Thái Bình, ở giữa 2 con sông Trà Lý và sông Hồng. Cách thị xã tới gần 20 km nên mọi suy nghĩ lúc còn nhỏ quẩn quanh trong lũy tre làng. Thái Bình là vùng đất chèo, tôi vẫn cùng bạn bè đi xem văn nghệ của xã, thỉnh thoảng cuốc bộ xa hơn để xem văn nghệ của tỉnh, nghe nhiều nên biết và thuộc rất nhiều làn điệu chèo. Cứ thế, tôi ngấm trong đầu những giai điệu thiết tha, biết cảm thụ và bị âm nhạc cuốn hút một cách tự nhiên.
Học xong cấp II, tôi vào Liên đoàn địa chất 9, được cho đi đào tạo một lớp trung cấp khoan và trở thành kíp trưởng một kíp khoan. Công việc của chúng tôi khá nặng nề, phải làm 3 ca. Ngày đó, tôi thích đi hát vì được tiếp xúc với nhiều người, nếu thi, được thưởng mang huy chương về cho cơ quan lại càng phấn khởi. Tôi tiết kiệm tiền mua được cái xe Phượng hoàng rất oách. Thỉnh thoảng, chủ nhật, từ trong rừng đạp xe ra Cẩm Phả ăn kem, ăn phở, ngắm trời biển. Tôi làm công nhân khoan từ năm 1965-1969. Lãnh đạo cơ quan có ý định cho tôi đi đào tạo ở Liên Xô để làm lâu dài. Dĩ nhiên là tôi đồng ý liền. Cơ quan cử người về quê tôi thẩm tra lý lịch, cả nhà đều tin chắc tôi sắp đi sang nước Nga đến nơi.
Song, lại có một sự kiện khác diễn ra, trường Âm nhạc VN về tỉnh tuyển học sinh. Tôi cùng Quang Huy, Duy Quang và Phan Lạc Hoa cùng đỗ. Tôi chẳng băn khoăn nhiều về những lối rẽ đang bày ra trước mắt, ngả rẽ nào với tôi cũng ổn cả. Nghĩ bụng: bên nào có quyết định trước mình sẽ đi. Đó là lý do tôi quay vèo cái sang hẳn với âm nhạc. Ngày 2/9/1969, tôi lên Hà Nội học, giấu không cho gia đình biết. Tôi vốn ham mê văn nghệ, hơn nữa lại là người trưởng thành trong môi trường công nhân nên thừa hưởng cái tính chăm chỉ chịu khó, đúng giờ giấc. Vào học năm thứ nhất, tôi được đài phát thanh thu bài hát Việt Nam trên đường chúng ta đi và được đoàn văn công Tổng cục chính trị lấy lính.
Hồi đó, trường âm nhạc ít người nên quen nhau cả. Minh Hồng là ca sĩ hát đơn ca của đoàn văn công Lạng Sơn xuống Hà Nội học. Tôi và cô ấy cùng nấu cơm trong một nhóm bạn. Tôi để ý Minh Hồng bởi cô ấy linh hoạt, tốt tính, nhiệt tình hay quan tâm và chăm sóc mọi người mà không nề hà. Còn cô ấy thích tôi có lẽ là nhờ bài Việt Nam trên đường chúng ta đi. Năm 1974, chúng tôi tổ chức đám cưới. Lúc ấy, Minh Hồng đã về đoàn nên chồng một nơi, vợ một nơi, thỉnh thoảng nhà tôi xuống thăm. Suốt 2 năm đằng đẵng xa cách như thế. Tôi nhớ mãi ngày tốt nghiệp, bà xã đi tàu từ Lạng Sơn xuống mới có 4h sáng, không dám gọi tôi vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, hát không tốt, đàn bà con gái mà ngồi ngoài cửa cho tới khi tôi thức dậy. Những quan tâm ấy tựa như một sự ràng buộc, xích chúng tôi lại gần nhau.
Sau này, tôi xin cho bà xã về Hà Nội, cùng đoàn. Năm 1998, tôi được phân một miếng đất 60 m2. Tôi làm đơn đề nghị cấp trên cho bán một nửa đất, vay mượn thêm để xây nhà. Sau 4 năm, tiền cát-xê của tôi và con gái trang trải gần hết.
![]() |
Ca sĩ Hồng Vy, con gái nghệ sĩ Doãn Tần. |
Sống trong đoàn văn công, lại có bố và mẹ đều là ca sĩ nên lúc 3-4 tuổi, Vy đã hát vang nhà Anh lính tình nguyện và Cô gái Apsara. Lúc con bé 17 tuổi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào giọng hát của con gái. Tôi luôn tìm ra những nhược điểm mà con cần phải khắc phục. Trong nghệ thuật phải rèn luyện rất nghiêm khắc cách ngắt câu, nhả chữ. Vợ chồng tôi mừng vì cháu đã đoạt giải nhì tại LH Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2001.
Tới giờ nhìn lại, thấy tôi số cũng vất vả, suốt ngày vắng nhà, lo cho công việc ở đội nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật Quân đội, đi biểu diễn và dạy học. Tôi yêu thích nghề giáo vì đó cũng là cơ hội để mình học lại.
(Theo Tiền Phong)