Sau bài viết Nghệ sĩ Hãng phim truyện căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm, VnExpress nhận được nhiều bình luận của độc giả.
Ý kiến của độc giả có nickname YoYo gây nhiều tranh luận nhất: "Tôi không biết thực hư chi tiết thế nào, nhưng là một người làm việc nghiêm túc tôi chưa bao giờ sợ bị đuổi, bị cắt lương. Nếu có thực lực chỗ này làm không được mình xin nghỉ qua chỗ khác làm, nhất là nghề nghệ sĩ cũng không phải là nghề quá hiếm để kiếm việc".
Độc giả Trangtochuc81 phản biện: "Quyền lợi bị ảnh hưởng thì họ phải lên tiếng, bảo hiểm xã hội là quyền lợi của người lao động đó bạn ạ, họ đóng góp cả đời để được hưởng rất nhiều chế độ từ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí khi về già".
"Cần đi ngược thời gian một chút. Tại sao hãng phim đã ốm yếu từ lâu, có lẽ phải trên chục năm, lúc các nghệ sĩ có thể ra ngoài, mà họ vẫn bám vào, ở lại làm gì? Cống hiến ư? Khái niệm đó tôi nghĩ quá lạc hậu. Ra ngoài làm việc cũng cống hiến tốt mà.
Xã hội đã thay đổi, chúng ta có đau thì cũng phải chấp nhận sự thực. Làm không ra gì thì tiền đâu mà trả. Trừ những lĩnh vực đặc biệt cần cống hiến như quốc phòng, an ninh.. mà thôi... Các nghệ sĩ phải chấp nhận đi." - độc giả có nickname Phản Biện.
Nhiều độc giả cho rằng, Hãng phim truyện Việt Nam ra nông nỗi như ngày hôm nay, có một phần lớn trách nhiệm của nghệ sĩ:
"Việc để hãng phim làm ăn thua lỗ, có phần lỗi từ chính các nghệ sĩ. Hãy thử nhìn lại xem họ đã điều hành một hãng phim thua lỗ trong nhiều năm thế nào?"- Độc giả Kim.
Độc giả có nickname Anh.yêu: "Hãng phim phục vụ nhân dân mà kịch bản, lời thoại, diễn xuất í ẹ, rập khuôn, khô cứng, gượng gạo, chán quá... Dân không muốn xem thì nên dẹp hoặc định hướng lại, chẳng ai mãi chu cấp cái mình chẳng muốn quan tâm, chẳng sinh lợi nhuận cả".
Độc giả Trinh Ngoc: "Nếu bạn làm ông chủ, mà nhân viên không làm được việc, suốt ngày hoài niệm quá khứ thì việc cắt giảm đương nhiên xảy ra. Công ty có hoạt động phi lợi nhuận đâu".
Nhưng cũng có nhiều độc giả cho rằng không thể đổ lỗi cho nghệ sĩ:
Độc giả có nickname Vuvu: "Làm phim chứ có phải bán hàng thông thường đâu mà bảo do nghệ sĩ không làm? Bạn có biết để làm một bộ phim thì cần bao nhiêu khâu không? Từ kịch bản ý tưởng, nhà sản xuất, đầu tư.....Nghệ sĩ hoàn toàn không có năng lực và vật lực để tự làm một bộ phim bán. Cho nên hãng thua lỗ chưa chắc là do nghệ sĩ. Tại sao trước đây người ta làm tốt mà giờ không ai làm tốt?".
Độc giả Atvin Hiệp: "Sao các bạn lại lên án các nghệ sĩ nhỉ? Vụ này lùm xùm cũng do tức nước vỡ bờ, lâu rồi họ không thể chịu được. Cổ phần hoá là điều tất yếu nhưng khi Vivaso vào đã không đặt mục tiêu cốt lõi là phát triển phim lên hàng đầu thì nhân sự gốc của hãng phim phải làm sao? Tôi lấy ví dụ: Một con thuyền đánh cá có các ngư dân là trên đó nhưng một ông chủ mua lại và biến nó thành du thuyền, buộc các ngư dân phải thay đổi chính cái nghề đã theo họ cả mấy chục năm, mà đánh cá không chỉ là nghề mà là đam mê của các ngư dân trên thuyền. Vậy các ngư dân phải làm sao?".
"Sai lầm ở hãng phim khi cổ phần là sai lầm trong chọn chủ đầu tư. Các bạn đừng đổi lỗi cho các nghệ sĩ, làm nghệ thuật chứ không phải làm kinh doanh, không kinh doanh cái này thì kinh doanh cái khác...
Công ty người ta dành cả thanh xuân để xây dựng, tự nhiên một doanh nghiệp nào đó mua lại trong đợt cổ phần hóa rồi để vậy không cho làm gì cả, không sản xuất phim mới, không trả lương, viện cớ do không làm gì, cắt bảo hiểm vô cớ?" - độc giả Trọng Hiến.
"Tôi thấy các nghệ sĩ VFS bị cắt lương, cắt bảo hiểm...là sai. Tôi thấy Vivaso bị thanh tra chỉ rõ sai phạm mà đến nay vẫn tiếp tục điều hành, lãnh đạo...là sai. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa là điều bắt buộc. Các nghệ sĩ đang hơi nhần lẫn việc làm nghệ thuật và kinh doanh. Nếu chờ đợi một công ty có tiềm lực về kinh tế, có hiểu biết về lĩnh vực phim ảnh thì người ta đã và đang tự làm rồi. Sáp nhập vào công ty truyền thông là quá tốt. Còn đòi hỏi là hoạt động độc lập, "không hòa tan" thì nên tự bỏ tiền ra làm thôi"- độc giả Hoang Nguyen.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Thế Kỳ tổng hợp