Từ trái sang: Ông Tô Văn Động - Chánh văn phòng, Thứ trưởng Lê Khánh Hải và ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trong buổi họp báo ngày 11/8. Ảnh: Ngọc Trần. |
Hội đồng cấp Bộ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch nhận được 75 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND thuộc bốn lĩnh vực: sân khấu (19), múa (4), âm nhạc (17), điện ảnh (36). Sau quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ, 35 hồ sơ đủ điều kiện tiêu chuẩn được trình lên Hội đồng cấp nhà nước trong đó: sân khấu (9), múa (4), điện ảnh (21), âm nhạc (1). Theo quy định, những người đạt danh hiệu NSƯT sau quá trình phấn đấu, nếu tiếp tục đạt thêm hai Huy chương Vàng nữa mới đủ tiêu chuẩn xét tặng NSND. Trước đây, thông tư của Bộ năm 2005 chỉ yêu cầu hai Huy chương Vàng hoặc Bạc nhưng nay chuyển thành hai Huy chương Vàng. Thứ trưởng Lê Khánh Hải - Chủ tịch Hội đồng xét duyệt - đã căn cứ vào tiêu chuẩn này để loại bỏ các hồ sơ lĩnh vực âm nhạc. NSƯT Ngô Văn Thành cũng không đảm bảo yêu cầu nhưng một thành viên trong Hội đồng đã đứng lên nêu công trạng của ông với tư cách Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia. Vì thế, hồ sơ này được đặc cách.
Trong những hồ sơ bị loại có những cái tên quen thuộc như Quyền Văn Minh, Quang Vinh, Nguyễn Chính... NSƯT Quyền Văn Minh cho rằng, cần có một sự công bằng cho các ngành nghề, vì nhạc Jazz không được thuận lợi như diễn viên sân khấu, điện ảnh. "Trong tờ giải trình tôi gửi lên Bộ, tôi có ghi rất đầy đủ, từ năm 1997, sau khi đạt NSƯT đến giờ, tôi đã dẫn bao nhiêu đoàn đi tham dự các liên hoan nhạc Jazz thế giới. Nhưng thế giới chỉ có liên hoan nhạc Jazz chứ không có các cuộc thi, như vậy, để có Huy chương thì tôi không biết làm cách nào. Tự so mình với các NSND khác, tôi thấy mình không thua họ về sự cống hiến. Thậm chí, với một đất nước không có nhạc Jazz như Việt Nam, tự học như tôi còn khó khăn hơn rất nhiều" - NSƯT Quyền Văn Minh chia sẻ. Tay saxophone kỳ cựu cho biết, với nghệ sĩ, việc được ghi nhận là vinh dự nhưng sự nghiệp âm nhạc mới là thứ quan trọng nhất. Ông hy vọng, thế hệ con cái và các học trò của mình sẽ không bị thua thiệt như vậy.
Nhiều ca sĩ cũng chung nhận định, tiêu chuẩn xét tặng chưa phù hợp thực tế. Với các ca sĩ, khi đạt NSƯT, ai cũng xấp xỉ 40 tuổi, Ở tuổi này, hầu như không ai đi thi nữa, vì sợ mất danh tiếng nếu trượt do các cuộc thi bao giờ cũng ưu tiên cái mới, cái trẻ, cái khỏe, cái đẹp trên sân khấu, thế nên hầu như không ai có thêm huy chương. Nếu áp dụng tiêu chuẩn hiện nay, sẽ rất ít người được phong tặng danh hiệu NSND. Theo một NSƯT, điều này còn gây ra tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ các nhà hát bởi mỗi lần hội diễn, các ca sĩ sẽ tranh nhau đi thi, thế hệ già tranh thủ cơ hội, không chịu nhường thế hệ trẻ.
Trước đây, Tường Vy, Thanh Huyền, Mai Khanh, Quý Dương, Trần Hiếu, Thu Hiền, Thanh Hoa… sau khi đạt NSƯT, không có người nào đoạt huy chương nhưng vẫn được phong tặng NSND vì được sự ghi nhận của nhân dân. Khi Thu Hiền, Thanh Hoa không đủ số phiếu - nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc ấy là Chủ tịch hội đồng, đã quyết định đặc cách cho hai nữ ca sĩ nổi tiếng này.
NSƯT Lê Trọng Nghĩa và Quyền Văn Minh. Ảnh: ST. |
Mới đây, NSƯT Lê Trọng Nghĩa, nguyên chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng và Hội đồng xét duyệt. Theo ông, tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu NSND chưa phù hợp thực tế, rất thiệt thòi cho những người làm âm nhạc.
Xét theo tiêu chuẩn quy đổi, tác phẩm đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, người chỉ đạo nghệ thuật chỉ được tính 1/3 Huy chương Vàng. Như vậy, để đủ hai Huy chương Vàng tiêu chuẩn, người chỉ đạo nghệ thuật phải có ít nhất 6 chương trình đoạt giải.
“Nhiều người sau khi được phong NSƯT chuyển sang công tác chỉ đạo nghệ thuật và không đi thi nữa. Người chỉ đạo nghệ thuật đứng sau lưng mọi chương trình, lo từ khâu kịch bản, chọn tác phẩm, phục trang, ánh sáng, thậm chí đến cả lời giới thiệu, khi chương trình được khen, người ta chỉ khen ca sĩ. Hội diễn 3 - 5 năm tổ chức một lần, 30 đoàn nghệ thuật cả nước phân bổ làm 3 khu vực, mỗi khu vực chỉ có 1 Huy chương Vàng. Không phải lần này được, lần sau hay sẽ được tiếp vì phải nhường cho người khác - đây là tiêu chí của hội diễn. Trước đây, chương trình được Huy chương Vàng người chỉ đạo nghệ thuật cũng được tính một cái, bây giờ chỉ được tính 1/3. Một nhà hát xuất sắc, trong vòng 30-50 năm mới được sáu Huy chương Vàng, quy đổi sang cho người chỉ đạo là được hai cái để đủ xét tặng danh hiệu NSND. Trong khi gần 50 tuổi mới được làm lãnh đạo, không thể chờ được mấy chục năm như vậy” - NSƯT Lê Trọng Nghĩa trần tình. Trong 15 năm lãnh đạo Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, các tiết mục do NSƯT Lê Trọng Nghĩa chỉ đạo giành được 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các hội diễn. Bản thân ông được đề cử danh hiệu NSND năm 2007 nhưng không được chọn. Lần xét tặng này, tuy đã qua Hội đồng Hà Nội (hội đồng cấp bộ, tỉnh, thành) nhưng nếu căn cứ vào tiêu chuẩn hai Vàng, số huy chương quy đổi của ông vẫn còn bị thiếu. Như vậy, "Hoàng tử nhạc nhẹ" một thời rất có thể sẽ bị trượt ở Hội đồng chuyên ngành (cấp Nhà nước) sắp tới.
Trong khi đó, nghệ sĩ Thúy Quỳnh (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam), Ứng Duy Thịnh (Đoàn ca múa Tổng cục hậu cần), Trần Bình (Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam) đều được phong là NSND dù số huy chương chưa đủ nếu xét theo quy đổi. Theo NSƯT Lê Trọng Nghĩa, việc đặc cách không rõ ràng dễ gây bức xúc cho nghệ sĩ.
Một bất cập khác là lĩnh vực nhạc giao hưởng. Những bè trưởng, bè phó âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc cổ điển, hầu như không bao giờ đi thi nên không nhận được danh hiệu xứng đáng. Bên cạnh đó, phát thanh viên truyền hình được xét NSƯT, NSND lại không cần huy chương.
Ngọc Trần