Ở tuổi 66, ông miệt mài đi hát, không nghĩ đến ngày nghỉ hưu. Chưa hồi phục sau tai nạn giao thông hôm 20/7, nghệ sĩ vẫn cố tham gia bốn suất cuối Ngày xửa ngày xưa 35 của sân khấu Ideacaf. "Cú ngã úp mặt xuống đường khiến xương hốc mắt, gò má xương hàm bên trái của tôi bị nứt. May sao, tôi không phải mổ, bác sĩ cho thuốc uống để vết thương tự lành. Hiện một bên mặt của tôi vẫn còn bị tê, chưa có cảm giác", diễn viên Bạch Long cho biết.
Ở tuổi xế chiều, ông tự lo cho bản thân mọi việc, chưa bao giờ nuối tiếc khi sống độc thân. Được nhiều khán giả, học trò yêu thương nên ông nói không sợ chết trong cô độc. Với ông, khoảnh khắc cô đơn nhất chính là không còn được nghe tiếng vỗ tay của khán giả. Ông hài lòng với những gì đang có, dù tài sản chỉ là chiếc xe máy, cái tivi và laptop cũ.
Trừ lần bị tai nạn, nghệ sĩ tự trào "có lẽ do trời thương nên ít đau bệnh", chỉ thi thoảng nhức xương khớp. Để giữ thể lực, ông nhắc bản thân giữ nếp sống điều độ, chú trọng giấc ngủ, mỗi sáng dậy sớm, khởi động cơ thể bằng những bài võ. "Nhờ lạc quan mà một số bệnh tuổi già, tôi đều vượt qua hết", ông nói. Cứ mỗi sáu tháng, Bạch Long lại lọ mọ đến bệnh viện kiểm tra thể trạng một lần để kịp phòng bệnh, bởi sợ lỡ có lúc không thể đứng trên sân khấu - niềm vui duy nhất của ông hiện tại.
Những lúc không có việc, ông chỉ ở nhà xem các chương trình giải trí trong và ngoài nước để học hỏi thêm kinh nghiệm diễn xuất. Thỉnh thoảng, Bạch Long muốn khám phá ẩm thực đường phố nên rủ học trò, đồng nghiệp la cà ăn hàng quán. Theo nghệ sĩ, cuộc sống ngoài vật chất còn cần đời sống tinh thần tích cực, lòng biết ơn. Vì vậy, hồi 2022 khi làm liveshow kỷ niệm 55 năm làm nghề, ông lấy tên cho chương trình là Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười.
"Tinh thần của tôi bây giờ thoải mái, không vướng bận chuyện gia đình. Thù lao làm nghề đủ cho tôi trả tiền trọ, cơm nước qua ngày. Tôi chưa bao giờ thấy buồn, trái lại, vui với việc được đi diễn đều đặn, truyền nghề cho bạn trẻ", nghệ sĩ nói.
Bạch Long sinh ra và lớn lên trong một gia đình hát bội - tuồng cổ, cha ông là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Bạch Mai, em trai là nghệ sĩ Thành Lộc. Tên tuổi Bạch Long gắn liền với vai diễn Kim Đồng, Phạm Cự Chích (vở Bão táp Nguyên Phong). Ông luôn đau đáu về việc giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống. Những năm 1990, diễn viên từng dồn tất cả tiền dành dụm mở lớp sân khấu Đồng Ấu Bạch Long, đến khoảng đầu năm 2000, nhóm tan rã. Tuy nhiên, những nghệ sĩ cải lương xuất thân từ môi trường này hiện đều có tên tuổi trong làng sân khấu như: NSƯT Quế Trân, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh.
Hiện giờ, ngoài đi diễn, ông cũng có lớp dạy biểu diễn tuồng cổ, cải lương, kịch nói cho một nhóm học trò. Thi thoảng, khi diễn kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa, ông chèn vào thoại vài câu vọng cổ. "Cải lương không còn thời hoàng kim nhưng tôi vẫn muốn tìm cách đưa bộ môn này len lỏi đến một bộ phận khán giả", ông nói.
Hoàng Dung