![]() |
Ông Tiến tại một buổi phiên dịch. Ảnh: Người Lao Động. |
Đó là tâm sự của ông Hoàng Minh Tiến (57 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP HCM), người có hàng chục năm gắn bó với nghề phiên dịch.
Quê Hà Nội, theo gia đình vào Sài Gòn từ lúc 4 tuổi, ông Tiến hiện làm trưởng phòng sales & marketing khách sạn Continental, thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ là giáo viên dạy tiếng Pháp nên ông đã làm quen với ngoại ngữ từ thuở thiếu thời.
Năm 1968, tốt nghiệp ngành tiếng Anh ĐH Sư phạm Sài Gòn, ông bước vào nghề dạy học và có dịp thực hành luyện tiếng trực tiếp với người nước ngoài nói tiếng Anh ở miền Nam, nhờ đó khả năng nghe nói ngày càng thuần thục. Năm 1988, với vốn liếng ngoại ngữ sau 20 năm tích lũy, ông quyết định chuyển sang nghề phiên dịch.
Nơi đầu tiên ông hưởng lương phiên dịch là Công ty Sagoda, thuộc Sở Công nghiệp TP HCM. Làm việc được 3 năm, ông chuyển sang khách sạn Quê Hương, đến năm 2003 thì chuyển về làm ở khách sạn Continental -TP HCM cho đến nay. Với chuyên môn vững vàng, kiến thức sâu rộng, ông ngày càng được tín nhiệm. Nhiều cuộc hội thảo, chiêu đãi quốc tế tổ chức tại các khách sạn lớn như Caravelle, Park Hyatt, Sheraton, Majestic... ông đều được mời phiên dịch.
Đối với ông, bài học sâu sắc nhất là khi bắt gặp những ánh mắt khó chịu của khách mời dự hội nghị. Nhiều khách mời thông thạo ngoại ngữ nên nếu dịch không đúng, không hay, họ sẽ phản ứng bằng những cái nhăn mặt, nhíu mày, nhún vai... Những cử chỉ đó giúp ông kịp thời điều chỉnh, chú ý sửa chữa, trau chuốt ngôn từ cho lưu loát, trôi chảy, sát nghĩa hơn.
Làm dâu trăm họ
Ông Tiến cho biết, người tham dự hội nghị thường có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực liên quan, nên phiên dịch viên không thể dịch lướt cho có. Người phiên dịch không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải nghiên cứu, nắm vững một số thuật ngữ cần thiết liên quan đến hội nghị, hội thảo. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, nên phải rèn luyện, học tập thường xuyên, nếu không thì không thể tồn tại. Chỉ cần dịch kém một lần thì những lần kế tiếp không ai dùng mình nữa.
Người phiên dịch trước khi vào việc được bố trí ngồi ở một cabin trong góc phòng họp có thiết bị hỗ trợ nghe, sau đó “nhả chữ” theo câu nói của diễn giả, khách mời tại hội thảo, làm sao phải diễn đạt, chuyển tải thông tin đến người nghe một cách mạch lạc, dễ hiểu nhất. Người phiên dịch phải “đuổi” liên tục theo từng câu nói. Nếu chuyển tải được 80% hàm ý của người nói, coi như công việc đã thành công. Có những lúc phải toát mồ hôi để “rượt” theo diễn giả. Nghề này chịu áp lực rất lớn nên phải có ý chí và tự đào tạo là chính.
Trước khi bắt tay vào việc, người phiên dịch phải chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt nhất, tinh thần tốt nhất, bởi khi vào việc khách mời có thể ăn uống tự nhiên, thậm chí được quyền đi... giải lao, còn người phiên dịch thì không được phép rời chỗ.
Hiện, thù lao một buổi phiên dịch hội nghị hơn 300 USD, phiên dịch không chuyên sâu 1-1,5 triệu đồng.
(Theo Người Lao Động)