Ông Thông, 53 tuổi, trú xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn trước đây làm thợ xây, bốc vác. Năm 2004, sau lần giới thiệu cho khách quê Hải Phòng mua con trâu đực đưa về huấn luyện và giành giải ba tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ông Thông tự thấy "mát tay" nên chuyển sang môi giới trâu chọi. Vài năm sau ông mua "trâu mộc" - chưa qua huấn luyện, đưa về nhà chăm sóc rồi bán cho đối tác.
Thời gian đầu đi buôn, ông Thông chủ yếu mua "trâu mộc" ở các huyện vùng cao thuộc miền tây Nghệ An. Lúc tích lũy được số vốn khá, ông bắt xe khách rong ruổi vào Tây Nguyên, miền Nam, ở hàng tháng trời tại Campuchia, Lào, Thái Lan để tìm trâu. Trâu được chọn mua phải là những con đực hội đủ các yếu tố như: mắt đẹp, trên mình năm xoáy, da và lông đen, móng sò, sừng to...
Một con trâu chưa qua huấn luyện nặng 600-700 kg, giá 90-100 triệu đồng. Trâu mua về được tiêm phòng, vỗ béo, hàng ngày chủ nuôi lùa ra sông tắm rửa sạch sẽ và cho ăn no. "Thức ăn chủ yếu là mật mía, cám ngô, cỏ voi. Nếu lóc mía ra để cho ăn thì nhanh béo, thể lực sung mãn, thịt săn chắc. Không nên cho dùng cám công nghiệp, nếu lạm dụng thịt trâu sẽ nhão, mất động lực chiến đấu", ông nói.
Theo ông Thông, nuôi trâu chọi cũng như "chăm con mọn". Chuồng trại mùa hè cần thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, mùa đông che chắn cẩn thận. Hàng ngày chủ phải gãi lưng, xoa đầu, nói chuyện để trâu hiểu ý mình. Định kỳ mỗi tháng chủ gọi cán bộ thú y đến khám trâu nhằm đảm bảo thể trạng luôn tốt.
Nuôi khoảng 5-7 tháng, trâu đạt trọng lượng 750-800 kg thì bắt đầu quá trình huấn luyện. Ban đầu ông Thông thường nhốt hai con trâu ở gần chuồng để cho nhìn nhau nhằm kích thích khả năng "máu chiến". Tiếp đó ông kết nối với các chủ nuôi, lùa trâu ra những đồng cỏ rộng lớn, cho chúng lao vào chọi nhau.
Ông Thông chia sẻ trâu chọi có các đòn hiểm như hổ lao, móc hàm, móc mắt..., cần nhìn được các thế mạnh của mỗi con, sau đó tập trung bồi dưỡng. Đòn hổ lao, hay còn gọi là tử chiến, là tiêu chí để đánh giá điểm mạnh của trâu, con nào giỏi đòn này thường bán được giá cao. Một lần huấn luyện kéo dài khoảng 2 tiếng, con trâu được chủ tập luyện với nhiều đối thủ trong vùng.
"Khi thấy trâu tập đủ đòn thì chủ cần tìm mọi cách để tách chúng ra. Phải luôn đảm bảo không có con nào bị thua. Trâu khi đã bị đánh bại thường nhát đòn, không ai mua, hoặc bị ép bán giá thấp nhất. Sau mỗi trận đấu tập, một số con mang thương tích, mất thể lực, phải tốn thời gian bồi bổ", ông Thông cho hay.
Khoảng hai tháng huấn luyện, trâu bắt đầu nghe lời chủ và hiểu các tư thế, đòn đánh. Lúc này chủ trâu bắt đầu liên hệ với đối tác để bán. Với thị trường trong nước, dịp giao dịch nhộn nhịp nhất vào tháng giêng hoặc tháng 8 âm lịch hàng năm. Thời điểm này khách mua trâu chọi ở hội Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng) thường vào các "lò luyện" ở xã Bình Sơn chọn mua trâu. Họ thường quan sát con vật trong khoảng vài tiếng trước khi xuống tiền.
Khoảng 10 năm trở lại đây, người nuôi trâu chọi ở xã Bình Sơn đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Ông Thông cùng đồng nghiệp sẽ quay video từng con trâu, trận đấu luyện gửi cho đối tác. Nếu khách chốt kèo mua trâu thì sẽ phải chuyển tiền đặt cọc rồi lái xe tải thùng sang Việt Nam chở về. Lúc trâu lên thùng, việc thanh toán phải hoàn tất.
Trung bình mỗi năm ông Thông bán 200 trâu chọi, giá bán so với lúc mua về chăm sóc chênh lệch khoảng 30-60 triệu đồng. Con trâu đắt nhất mà ông Thông mua 170 triệu đồng từ Campuchia, sau đó bán cho khách Trung Quốc 200 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi con xuất bán lời 10-30 triệu đồng. Có lần gặp may, khi vừa đưa trâu về nhà đã có khách đặt vấn đề nên ông sang tay luôn, lãi 3-5 triệu đồng, không tốn công chăm sóc.
Dù cho thu nhập khá, nghề luyện trâu chọi cũng vất vả. Có những chuyến đi "săn" trâu mất hơn một tháng, ông Thông phải trở về tay trắng bởi gia chủ không đồng ý bán. Ngoài ra, đôi khi trâu bị chết trong quá trình luyện tập thì phải bù lỗ. Cuối năm 2023, con trâu nặng hơn 800 kg, đã huấn luyện 6 tháng, được đối tác trả giá hơn 200 triệu đồng song ông chần chừ chưa muốn bán - đã ăn trúng que thép dẫn đến chết.
Hiện ông Thông cùng con trai Hoàng Bảo Trung, 32 tuổi, sở hữu hơn 30 "trâu mộc". Gia đình ông Thông không nuôi nhốt trâu tập trung mà thuê 20 hộ dân trong xã nuôi. Hộ nhận nuôi được trả 1,5 triệu đồng mỗi tháng/con, toàn quyền sử dụng sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp và lấy phân để chăm bón hoa màu. Ngoài ra khi trâu bán được giá, chủ sẽ bồi dưỡng thêm 1-2 triệu đồng.
Cũng nuôi trâu chọi, ông Châu Văn Vinh, trú xã Bình Sơn, cho biết để tiết kiệm chi phí, ông cũng như nhiều hộ gia đình còn trồng thêm mía, ngô, cỏ voi... nhằm chủ động nguồn thức ăn. Hàng năm, các hộ nuôi trâu chọi trên địa bàn luôn tranh thủ sắp xếp công việc rủ nhau ra Hải Phòng xem chọi trâu.
"Thấy trâu từng nuôi bán cho đối tác giành chiến thắng tôi mừng lắm, thua buồn mấy ngày. Nếu trâu luôn áp đảo đối thủ thì người bán ban đầu sẽ tăng uy tín, được giới thiệu nhiều khách tiềm năng", ông Vinh nói.
Ông Dương Công Ngọc, Chủ tịch xã Bình Sơn, cho biết địa bàn có hàng chục hộ dân nuôi và luyện trâu chọi, quy mô hàng trăm con trên tổng đàn khoảng 1.400. Nghề này gần đây phát triển khá mạnh, mang lại thu nhập khá bởi so với trâu thịt thì trâu chọi có giá trị kinh tế cao hơn, có những con bán gấp 4-5 lần.