Sáng trung tuần tháng 9, chị Lô Thị Hồng, 36 tuổi, trú xã Xiêng My, huyện Tương Dương, cùng 4 phụ nữ mặc đồ bảo hộ, mang theo rổ, chậu chở nhau đến bìa rừng cách nhà hơn 2 km, sau đó đi bộ tới các con suối ở bản Phẩy, Khe Quỳnh, Piêng Ồ nhặt rêu đá. Đây là công việc thời vụ của người dân tộc Thái, Khơ Mú tại vùng cao.
Các con suối ở xã Xiêng My, Nga My rộng 5-10 m, sâu 0,5-1 m, nhiều điểm sâu gần 1,5 m, dài hàng trăm mét, xung quanh cây cối rậm rạp. Dưới đáy có nhiều viên đá bạc, đá son đường kính 5-30 cm phủ đầy rêu xanh tự nhiên. Sợi rêu mỏng, chỉ dài 1-3 cm, kết dính nhau, người dân thường nhặt được cả chùm.
Chị Hồng cầm rổ nhựa đi từ phía cuối dòng suối ngược trở lên, liên tục quan sát, thấy cụm rêu thì vớt. Với sợi rêu bám chắc trên đá, chị phải dùng thìa nhôm cạo mất 30 giây. Rêu đầu suối bám bụi bẩn, đất cát nên người dân chọn cách "nhặt ngược" từ dưới lên để có những nhúm rêu non, ít sạn
Mùa nhặt rêu đá diễn ra 3-4 tháng cuối năm. Công việc phụ thuộc thời tiết, nếu trời mưa, nước đục thì khó làm, trung bình mỗi tháng nhặt được khoảng 15 ngày. Người dân thường đi theo nhóm 4-6 người, mang theo cơm và nước uống để làm việc xuyên trưa, trở về nhà cuối giờ chiều.
Hai tuần qua trời nắng, chị Vi Thị My, 46 tuổi, trú xã Nga My, cùng con gái tranh thủ ra suối cách nhà 3 km nhặt rêu, mỗi hôm làm từ 9h đến 16h, lấy được hơn 20 kg, bán cho thương lái giá 15.000-20.000 đồng một kg. "Trung bình một hôm tôi thu 300.000-350.000 đồng, có thêm tiền cải thiện cuộc sống", chị My nói.
Bên cạnh có thu nhập, nghề nhặt rêu đá cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một số con suối nằm trong rừng sâu, địa hình hiểm trở. Lúc lội xuống nước nhặt rêu, không cẩn thận rất dễ đạp trúng đá trơn khiến bị ngã, chấn thương. Chị Hồng cho biết: "Đi nhặt rêu phải ngâm dưới nước nhiều tiếng nên chân tay trắng bệch, nhăn nhúm. Đôi lúc tay bị chảy máu vì va phải các viên đá sắc cạnh hoặc chướng ngại vật như gai, que nhọn ở dưới đáy suối". Thậm chí nếu bất chấp làm việc lúc trời mưa, khi bị ngã thì rủi ro cao, bởi dòng nước mạnh từ thượng nguồn đổ về sẽ cuốn trôi người, nguy hiểm tính mạng.
Ông Lô Bá Lịch, Chủ tịch xã Xiêng My, cho biết nghề hái rêu đá mang lại thu nhập khá cho người dân lúc nông nhàn. Mỗi ngày một người có thể nhặt được 10 kg, gia đình nào đông nhân lực thì đạt hơn 20 kg. "Tuy nhiên, rừng núi hiểm trở, chính quyền luôn khuyến cáo người dân khi nhặt rêu đá cần đi theo nhóm, tránh đến những vị trí suối sâu", ông Lịch nói.
Rêu đá được thương lái thu mua để nhập cho các nhà hàng, quán ăn làm thực phẩm, thu lời 5.000 đồng mỗi kg so với giá gốc gom tại bản làng. Người dân vùng cao mỗi chuyến đi nhặt rêu luôn để lại 1-2 kg, đem rửa sạch đất cát, cho vào cối giã vài tiếng, dùng dao sắc cắt nhỏ để chế biến nhiều món.
Rêu đá có thể dùng nấu canh, xào, trong đó ngon nhất là làm mọc rêu (còn gọi là chả). Để chế biến chả, rêu được tẩm ướp với gạo tấm, ớt cay, hạt tiêu rừng, sả, thịt heo mỡ giã nhỏ, sau đó dùng lá chuối gói lại, đem nướng hoặc bỏ vào nồi hấp trong một tiếng. Với các đặc sản chế biến từ rêu, người dân vùng cao thường dùng để tiếp đãi khách quý hoặc trong dịp Tết, cưới hỏi, mừng nhà mới...